Dân Việt

Hơn 1,7 triệu hộ chăn nuôi bỏ nghề

04/01/2012 17:04 GMT+7
(Dân Việt) - Theo công bố mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có gần 1,7 triệu hộ bỏ nghề chăn nuôi và còn tiếp tục giảm.

Nông hộ chán chăn nuôi

Số liệu tổng hợp mới nhất từ các địa phương trong cả nước cho thấy, hiện chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn cả về tổng đàn và sản lượng thịt. Cụ thể, về chăn nuôi lợn, các nông hộ chiếm 65% tổng đàn với 55-60% sản lượng thịt; gà chiếm 70% tổng đàn với 60% sản lượng thịt; trâu, bò chiếm tới 90% tổng đàn và 96% sản lượng thịt. Tuy nhiên, xu thế chăn nuôi quy mô nông hộ ngày càng giảm dần, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng.

img
Chăn nuôi nông hộ ngày càng giảm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: "Từ năm 2006 đến nay, số hộ chăn nuôi đã giảm 16,9% (tương đương gần 1,7 triệu hộ) xuống còn 6,4 triệu hộ, thậm chí có nhiều địa phương giảm tới 20-30%".

Cũng theo ông Sơn, hạn chế lớn nhất của chăn nuôi nông hộ là năng suất, hiệu quả không cao, đặc biệt rất dễ xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngược lại với sự suy giảm của phương thức chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi gia trại, trang trại đang có xu hướng tăng lên, tính đến năm 2010, cả nước đã có 23.558 trang trại chăn nuôi (tăng 32,9% so với năm 2006 và 13,2% so với năm 2009). Song theo đánh giá, phương thức chăn nuôi này vẫn chưa thể phát triển nhanh do thiếu quy hoạch tổng thể và lâu dài.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá: "Do sự hình thành và phát triển trang trại chăn nuôi thiếu quy hoạch khiến một số vùng, đặc biệt là ở đồng bằng bị ô nhiễm môi trường. Đây cũng là điểm yếu cần chú trọng ngay từ bây giờ nếu muốn tránh được hậu quả lớn sau quá trình phát triển trang trại".

Không thể bỏ chăn nuôi nông hộ

Theo định hướng tái cơ cấu phương thức chăn nuôi, Bộ NNPTNT đã đề ra mục tiêu, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp. Chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi); hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư.

Một số định hướng của ngành chăn nuôi

Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong toàn ngành lên khoảng 20% (năm 2010 là 18,7%).

Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn đến vệ sinh an toàn dịch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Tổ chức sản xuất chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

TS Phùng Đức Tiến - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng: "Chăn nuôi nông hộ là một phần của lịch sử, chúng ta không thể phủ nhận hoặc loại bỏ loại hình chăn nuôi này được. Vấn đề là phải có chính sách để duy trì mô hình chăn nuôi nông hộ hợp lý cả về quy hoạch, cũng như quy mô phát triển".

Còn theo TS Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: "Trong chăn nuôi tương lai, chúng ta cần xác định người nông dân là chủ thể, nếu không có chính sách thích hợp, tới đây nông dân chỉ là người làm thuê cho các công ty, tập đoàn nước ngoài ngay trên chính mảnh đất của mình".

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đặt câu hỏi: "Đã có lúc, chúng ta hô hào phát triển chăn nuôi công nghiệp với quy mô mỗi trại có hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà, liệu chúng ta có nên tiếp tục đi theo hướng đó. Vì như tôi biết, ở Hà Lan họ cũng chỉ nuôi tối đa 80 con bò sữa mỗi hộ, chứ không nuôi hàng trăm, hàng nghìn con".

Cũng theo ông Phát: "Chăn nuôi nông hộ có vai trò rất lớn trong việc tạo thu nhập cho người nông dân, bởi có nhiều hộ chỉ biết trông chờ vào mấy con lợn, con gà để có tiền cho con em đi học, bây giờ chúng ta dẹp đi, người dân sẽ mất nguồn thu nhập đó".

Trước nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, Cục Chăn nuôi đang đưa ra 3 hình thức chăn nuôi để các địa phương có thể lựa chọn tùy theo điều kiện sinh thái và thực tiễn địa phương, đó là: Trang trại chăn nuôi hộ gia đình theo quy hoạch (một chủ trang trại đầu tư); trang trại gắn với khu tập trung chăn nuôi có nhiều chủ đầu tư); trang trại chăn nuôi hỗn hợp (chăn nuôi, trồng trọt kết hợp nuôi trồng thủy sản).