Dân Việt

5 trận chiến lịch sử có cục diện thay đổi vì rượu

Minh Anh 21/11/2018 20:32 GMT+7
Đức Quốc xã mất cứ điểm vì chỉ huy say xỉn, một đội quân Nhật Bản mải tiệc tùng mà không để ý quân địch đến gần... là những trận chiến có kết cục thay đổi bất ngờ do say rượu.

Đức Quốc xã mất cây cầu chiến lược vì sĩ quan say khướt cùng bạn gái 

Đầu tháng 6/1944, chỉ huy quân đội Đức trấn giữ tại hai cây cầu trọng yếu trên sông Orne là tướng Hans Schmidt. Nhiệm vụ của Schmidt là phá hủy cầu nếu quân Đồng minh tiến đến gần. 

Binh sĩ của Schmidt đã chất sẵn nhiều khối thuốc nổ trên cầu. Họ chỉ cần nhận mệnh lệnh từ tướng chỉ huy để cho nổ sập nó. 

Ngày 6/6/1944, quân đội Anh tấn công một điểm cầu quan trọng của Đức Quốc xã là cầu Pegasus. Tuy nhiên, ông Schmidt đã say xỉn cùng bạn gái vào đêm trước đó. Do vậy, ông không thể có mặt để chỉ đạo binh sĩ vào thời điểm vụ tấn công diễn ra. 

Khi tỉnh dậy, ông vội lao ra hiện trường. Tuy nhiên, tài xế chở ông chạy lấn sang cả khu vực mà quân đội Anh đang đóng quân. Cả hai bị bắt làm tù binh. Lính Anh dẫn hai con tin đi qua cầu an toàn mà không vấp phải phản kích nào từ binh sĩ Đức Quốc xã. 

Nội chiến Mỹ: Cả đội quân sống sót vì tướng địch say xỉn 

img

Trận chiến bên sông Stone năm 1862. Ảnh: Business Insider

Vào ngày 31/12/1862, ngày đầu tiên của trận chiến bên sông Stone, quân đội Liên minh miền Nam tấn công Liên bang miền Bắc ở một địa phương tại bang Tennessee. Kế hoạch tác chiến Braxton Bragg diễn ra trôi chảy, họ bắt hàng nghìn tù binh là binh sĩ miền Bắc. 

Chiến thắng lẽ ra sẽ vang dội hơn nếu lữ đoàn tiếp viện của thiếu tướng Benjamin F. Cheatham không đến trễ. Nguyên nhân do ông Cheatheam say khướt vào đêm trước khởi hành. Thậm chí, ông còn ngã từ trên lưng ngựa khi đang hành quân.

Quân đội miền Bắc thoạt đầu định rút lui do thất bại trước tướng Bragg. Nhưng họ thay đổi ý định vì số lượng binh sĩ vẫn còn đủ để trấn giữ căn cứ. Phe miền Bắc lẽ ra sẽ không duy trì lực lượng này nếu tướng Cheatham khởi binh tấn công theo kế hoạch. 

Ngày 2/1/1863, đội pháo binh của phe miền Bắc "quét sạch" 1.800 binh sĩ miền Nam chỉ trong 1 giờ đồng hồ. Từ đây, họ vượt lên xoay chuyển tình hình và giành chiến thắng.

Samurai mải nhậu đến nỗi không biết bị tấn công 

img

Tướng Imagawa Yoshimito thất trận vì tiệc tùng. Ảnh: Wikipedia

Imagawa Yoshimito là một vị tướng dũng mãnh ở Nhật Bản hồi thế kỷ 16, thống lĩnh 35.000 quân. Ông quyết định đánh chiếm thủ đô khi đó là Kyoto. Trên đường hành quân, Yoshimoto muốn chiếm thành của Oda Nobunaga. 

Nobunaga chỉ huy động được 2.500 võ sĩ để kháng cự. Ông dẫn theo đội quân đến một pháo đài gần Okehazama. Tại đây, khi trông thấy binh lính của Yoshimoto đang say sưa tiệc tùng, Nobunaga ra lệnh một toán lính lặng lẽ chiếm thành, canh gác ở các cửa ngõ, rồi cùng binh sĩ tiếp cận từ xung quanh. 

Đội quân nhỏ của Nobunaga chiến đấu với tương quan lực lượng đáng kinh ngạc (1 võ sĩ đấu với 12 lính đối phương), nhưng đã giành chiến thắng. 

Giữa lúc giao tranh, Yoshimoto bước ra khỏi lều và bực tức vì những âm thanh ồn ào bên ngoài. Ngay lúc đó, ông mới biết một cuộc chiến đang diễn ra chứ không phải là buổi tiệc náo nhiệt. 

Yoshimoto chỉ kịp cầm kiếm tấn công duy nhất một võ sĩ đối phương trước khi ông bị giết. Nobunaga hạ sát phần lớn quân địch nhưng tha mạng cho hai viên chỉ huy. 

Xâm chiếm đảo vì rượu vang 

img

Cuộc chiến giữa liên minh hải quân châu Âu chống đế quốc Ottoman năm 1570. Ảnh: Wikimedia

Quốc vương Selim II của Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) là một người rất thích rượu vang. Ông từng phát động cuộc chiến xâm lược đảo Síp năm 1570 để giành quyền kiểm soát việc sản xuất và tiêu thụ rượu ở đảo này. 

Khi pháo đài ở đảo Síp rơi vào sự kiểm soát của vua Selim, Giáo hoàng Pius V kêu gọi các nước châu Âu bàn chuyện xây dựng hạm đội hải quân để tấn công quân Ottoman. Họ phải mất 1 năm để đồng thuận về các điều khoản. Tuy nhiên, một hạm đội hùng hậu đã ra đời và đối đầu với các binh sĩ Ottoman trong Cuộc chiến Lepanto năm 1571.

Khi trận hải chiến bắt đầu, 300 tàu của Ottoman đối đầu với 200 tàu đối phương vượt trội hẳn về chất lượng. Các nhà sử học cho biết, 90% tàu ở vùng Địa Trung Hải khi đó đều tham gia vào cuộc chiến này. 

Quân đội liên minh châu Âu dù giành chiến thắng trước Đế quốc Ottoman nhưng cũng nhận thiệt hại nặng nề: 12 tàu bị chìm, 8.000 binh sĩ thiệt mạng. Tuy nhiên, họ giải phóng hơn 15.000 nô lệ và chiếm 117 tàu. Hải quân Ottoman cũng mất mát đáng kể nhân lực và vũ khí. 

Con ngựa thành Troy 

img

Con ngựa thành Troy. Ảnh minh họa: Business Insider

Theo thần thoại Hy Lạp cổ đại, hoàng tử thành Troy tuyên bố vợ của quốc vương Hy Lạp, Helen, là phần thưởng của nữ thần sắc đẹp Arphodite dành cho anh. Vì Helen cũng đồng ý tái hôn cùng vị hoàng tử dẫn đến cuộc chiến giữa quân Hy Lạp và thành Troy. 

Hai bên giao tranh suốt 9 năm ròng vẫn bất phân thắng bại. Do vậy, một vị tướng Hy Lạp lên kế hoạch cho một vụ rút lui giả, đồng thời cho xây một con ngựa gỗ lớn. Khi hoàn thành, một nhóm lính Hy Lạp ẩn nấp bên trong thân ngựa. Con ngựa được đặt trước cổng thành Troy, trong khi quân đối phương tạm rút. 

Tưởng rằng Hy Lạp bỏ cuộc, binh sĩ thành Troy kéo con ngựa gỗ vào bên trong. Họ mở tiệc ăn uống linh đình, uống rất nhiều rượu và đã say ngà ngà. Đúng thời điểm này, những người lính Hy Lạp rời khỏi con ngựa, mở cổng thành để đại quân tiến vào tiêu diệt đối phương.