Dân Việt

Sẽ có hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản

Đình Thắng 21/11/2018 06:17 GMT+7
Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 được kỳ vọng là khuôn khổ pháp lý quan trọng để ngành thủy sản nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng tới phát triển bền vững. Để hiểu rõ hơn về luật này, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Trần Đình Luân (ảnh) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT.

Hạn ngạch khai thác điều chỉnh 60 tháng/lần

Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 11.2017 và chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Những điểm mới, nổi bật của luật này là gì, thưa ông?

img

Ông Trần Đình Luân (ảnh) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT

- So với Luật Thủy sản năm 2003, Luật Thủy sản năm 2017 có nhiều điểm mới. Cụ thể, luật quy định rõ hơn về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; trong đó khái niệm về đồng quản lý, tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; điều kiện tham gia đồng quản lý… được làm rõ.

Nhận thức rõ nguồn lợi thủy sản là một loại tài nguyên có khả năng tái tạo, do đó để quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản, luật quy định về quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Theo đó, định kỳ 5 năm 1 lần, Bộ NNPTNT thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

Luật quy định cụ thể về việc quản lý giống thủy sản, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng quản lý hệ thống, kiểm soát đầu vào từ điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với thức ăn, chất cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp.

img

Luật Thủy sản 2017 sẽ quy định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: T.L

Về quản lý tàu cá, theo luật mới sẽ chuyển quản lý từ công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên phải thực hiện đăng kiểm, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải thực hiện lắp thiết bị hành trình theo quy định của Bộ NNPTNT.

Nhiều người quan tâm về quy định cấp hạn ngạch khai thác thủy sản. Ông có thể nói rõ hơn về quy định này?

- Một bước tiến mới của luật so với Luật Thủy sản năm 2003 là lần đầu tiên quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn. Điều này phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; thể hiện rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận xây dựng luật là dựa vào hệ sinh thái. Việc cấp phép khai thác thủy sản được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thông qua quản lý theo hạn ngạch để kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng 1 lần.

Khai thác bất hợp pháp - phạt 1 tỷ đồng

Một trong những vấn đề nóng gần đây là việc EU rút thẻ vàng với thủy sản Việt Nam liên quan đến vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Nội dung của IUU được đề cập như thế nào trong Luật Thủy sản 2017?

- Nội dung liên quan đến IUU được quy định rải rác trong các điều và các chương của luật, đặc biệt tập trung vào 9 khuyến nghị của EC. Cụ thể: Quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Bổ sung quy định hành vi cấm đối với khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn.

Luật cũng có quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng; quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

Theo đánh giá của ông khi đi vào cuộc sống, luật này sẽ có tác động như thế nào đối với ngư dân cũng như ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản?

- Với những nội dung mới đã nêu ở trên, theo tôi, khi đi vào cuộc sống Luật Thủy sản sẽ có những tác động lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản. Theo đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo các điều kiện để phù hợp với quy định của quốc tế, đặc biệt trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Vì vậy người nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất vật tư đầu vào, nhà chế biến, xuất khẩu thủy sản phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để đảm bảo sản xuất theo chuỗi và đáp ứng được yêu cầu của quốc tế.

Hoạt động khai thác thủy sản sẽ có những thay đổi lớn từ quy định của luật, ngư dân phải chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, phải hoạt động trên nguyên tắc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xin cảm ơn ông!