Dân Việt

Bộ trưởng đẩy trách nhiệm

04/01/2012 17:05 GMT+7
(Dân Việt) - Tháng 11.2011, giữa lúc Quốc hội đang bàn thảo chủ trương cắt giảm đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, rất hồn nhiên, đề nghị Quốc hội bố trí khoản ngân sách 40.000 tỷ đồng, thu vượt từ dầu thô, cho các công trình trọng yếu của ngành giao thông.

Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Thăng, cũng rất hồn nhiên- "tiết lộ": Hiện Bộ GTVT không còn tiền để đầu tư hạ tầng. Quốc hội tất nhiên không phê chuẩn.

Chỉ hơn 1 tháng sau, vào ngày gần như cuối cùng của năm 2011, Bộ trưởng Thăng ký đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Lần này, lý do không phải vì ngành GTVT không còn tiền, mà được thay thế bằng một lý do có vẻ cao cả và cấp bách hơn "chống ùn tắc giao thông".

Lý do thật sự thế nào, có lẽ chỉ Bộ trưởng Thăng biết. Ngày 2.1, trả lời Báo Người Lao Động, người phát ngôn Bộ GTVT thật thà: "Cách đây không lâu, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ, trong đó cũng đã tính tới phương án thu phí đối với xe máy, ô tô nhằm sửa chữa, duy tu đường sá. Muốn có thêm một khoản tiền để làm mới hạ tầng giao thông thì cần thiết phải có thêm khoản thu, trong đó có việc thu phí lưu hành phương tiện xe cá nhân".

Tính chất "gánh nặng" đổ từ trách nhiệm nhà nước lên vai người dân thực ra đã được nói tới từ năm 2008 khi TP.HCM đề xuất tăng thu lệ phí và thu phí hằng năm đối với xe mô tô, gắn máy. "Nếu buộc người dân đóng phí cao thì do nhu cầu cuộc sống, người dân vẫn phải sử dụng xe gắn máy. Chứ đi bằng phương tiện nào trong khi giao thông công cộng không đáp ứng nhu cầu của họ?" - ông Lê Hiếu Đằng, khi đó đương chức Phó Chủ tịch MTTQ TP.HCM nói.

Đối với người dân, bao gồm cả ở thành phố và nông thôn, chiếc xe gắn máy giờ đã trở thành đôi chân, thành chiếc "cần câu cơm". Có lẽ là ngay cả Bộ trưởng Đinh La Thăng, chắc chắn cũng sẽ "cắn bút" để trả lời rằng nếu người dân không đi bằng xe gắn máy thì họ đi bằng gì.

TS Khuất Việt Hùng - Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (ĐH GTVT Hà Nội) nói rất thẳng thắn: "Việc thu phí lưu hành xe chỉ làm tăng ngân sách chứ không tác động đến hành vi sử dụng xe máy của người dân, không làm giảm số lượng người sử dụng xe máy và vì vậy không làm giảm ùn tắc giao thông”.

Có thể nói bản chất của câu chuyện là ông Bộ trưởng đã "lục túi" người dân dưới danh nghĩa giảm ùn tắc giao thông, đã đẩy áp lực trách nhiệm của một Bộ trưởng lên vai người dân.