Theo phân tích cụ thể của ông Thành, hiện nay ngành cà phê Việt Nam đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau Brazil với sản lượng trên 1 triệu tấn, doanh thu trên 2 tỷ USD/năm.
Còn với mặt hàng chè, hiện nay ngành chè Việt Nam, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, đứng hàng thứ 5 thế giới đang có rất nhiều khả năng để bật lên mạnh mẽ hơn nhiều mặt hàng khác.
Phân tích cụ thể với NTNN về những thế mạnh của hai mặt hàng, chuyên gia cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng, điều quan trọng là thế mạnh nhất mà hai mặt hàng này đang nắm giữ, đó là có tỷ lệ nội địa 100%. Trong khi nhiều ngành, nhiều mặt hàng gia công là chủ yếu, có tỷ lệ nội địa thấp lại có doanh thu tới 5-10 tỷ USD mỗi năm. Việc hai mặt hàng chè, cà phê có tỷ lệ nội địa 100% nhưng đang đem lại doanh thu thấp rõ ràng còn “ẩn giấu” tiềm năng để chúng ta khai thác. Có chiến lược và lộ trình khai thác hiệu quả lợi thế của hai mặt hàng này, trước hết đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, đồng thời còn tạo lợi thế cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo thống kê trong năm 2011, cùng với xu hướng tăng giá chung của các mặt hàng nông sản, mặc dù khối lượng cà phê xuất khẩu hầu như không tăng nhưng giá trị xuất khẩu vẫn đạt được sự tăng trưởng kỷ lục. Khối lượng xuất khẩu năm 2011 chỉ đạt 1,2 triệu tấn và giá trị là 2,7 tỷ USD, xấp xỉ về lượng nhưng tăng tới 45,4% về giá trị so với năm ngoái.
Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.520 USD/tấn bằng giá kỷ lục của năm 2008, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2010. Xuất khẩu chè sang hầu hết các thị trường lớn đều suy giảm so với năm ngoái, ngoại trừ Indonesia (tăng gấp 2 lần), Đức và Arabia Saudi tăng nhẹ.
Phương Hà