Tranh Tôn Quyền qua cầu ở bến Tiêu Diêu
Không thể không lui
Bên cạnh câu chuyện bịa đặt “Liêu, Điển lấy 800 người phá mười vạn đại quân của Tôn Quyền” chính là một hiểu lầm tai hại khác rằng chính vì bị Trương Liêu đánh bại tại bến Tiêu Diêu mới khiến Tôn Quyền vội vã lui binh, đồng thời ám ảnh đến sau này. Đây thực chất là lấy kết quả làm nguyên nhân. Sự thật là Tôn Quyền vội vã lui binh rồi mới bị Trương Liêu tập kích. Tam Quốc Chí (TQC), Trương Liêu truyện có thể làm chứng việc này: “Quyền vây giữ Hợp Phì hơn chục ngày, không hạ được thành, bèn rút về. Liêu thống suất chư quân truy kích, suýt bắt được Quyền”. Điều này cũng được ghi thống nhất trong các truyện như Ngô chủ truyện, Lã Mông truyện, Cam Ninh truyện, v.v…
Nhưng vì sao Tôn Quyền lại vội vã lui quân như vậy?
Nói vội vã là vì chiến tranh cổ đại, công thành kéo dài một tháng là việc bình thường. Sau Xích Bích, Tôn Quyền cũng từng vây Hợp Phì hơn trăm ngày. Như đã nói, trận chiến này đã được Tôn Quyền chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ, xuất động hầu hết các tướng lĩnh Đông Ngô như Lã Mông, Tưởng Khâm, Cam Ninh, Lăng Thống, Hạ Tề, Phan Chương, Trần Vũ, Tống Khiêm, Từ Thịnh, v.v…
Tuy binh lực không phải thật sự là mười vạn nhưng cũng hầu như là tất cả binh mã mà Tôn Quyền có thể huy động. Trận thế như vậy, tuyệt đối không thể là một chiến dịch qua loa đại khái được, nếu không phải tình huống đặc thù, không lí nào Tôn Quyền chỉ hơn mười ngày không hạ nổi liền lui quân.
Xét tình hình lúc đó, Đông Ngô trong không có nội loạn, ngoài chẳng có chiến sự nhưng thật là trời cao đã không phù hộ Tôn Quyền. Cam Ninh truyện viết “năm Kiến An thứ hai mươi, theo đi đánh Hợp Phì, đúng lúc có dịch bệnh, quân lữ đều triệt thoái”. Ôn dịch lưu hành trong quân hơn mười ngày, tất khiến sức chiến đấu giảm sút, sĩ khí hạ thấp. Hơn nữa bệnh dịch trong quân để càng lâu sẽ càng lây nhiễm, mà chiến trường doanh trại chính là nơi ủ bệnh tốt nhất. Đến lúc đó, muốn lui binh lại càng khó mà tử thương sẽ là vô số.
Sở dĩ sử liệu không có đề cập qua đến tình hình bệnh dịch trong quân Ngô nghiêm trọng là vì Tôn Quyền đã quyết đoán lui binh trước khi bệnh dịch bùng phát, bảo toàn hầu hết binh lực của Giang Đông. Có thể cầm lên được, cũng có thể bỏ xuống được là phong thái của bậc bá chủ, tiếc rằng chẳng mấy ai nhìn thấy được. Cũng như người ta chỉ nhìn thấy Tôn Quyền bị Trương Liêu đuổi chạy trối chết chứ có mấy ai nhớ rằng trên chiến trường chỉ có binh sĩ hi sinh vì chủ tướng chứ nào có chủ tướng vì binh sĩ đoạn hậu?
Vây đánh Hợp Phì
Máu đổ bến Tiêu Diêu
Trời cao chẳng phù hộ, Tôn Quyền bất đắc dĩ phải lui binh. Trọng Mưu vì mưu cầu bảo tồn binh lực, ngày sau “đông sơn tái khởi” nên mới quyết định chính mình đoạn hậu. Lui binh đoạn hậu là việc vô cùng hung hiểm bởi phàm là lui binh, sĩ khí xuống thấp, là thời cơ để kẻ địch tập kích. Tôn Quyền sao chẳng hiểu điều đó được, nên mới tự mình đoạn hậu để nâng cao sĩ khí. Binh mã đoạn hậu cũng là binh mã tinh nhuệ nhất, bao gồm hầu hết các danh tướng trong chiến dịch.
Nhưng nếu đã đoán trước sẽ bị tập kích, sao binh tướng Giang Đông vẫn cảm thấy bất ngờ và Tôn Quyền lại khốn đốn như thế?
Có hai khả năng giải thích điều này. Một là quyết định lui binh cũng là một quyết định bất ngờ được Tôn Quyền đưa ra và hành động rút quân cũng diễn ra nhanh chóng. Tôn Quyền cho rằng phía Ngụy có thể sẽ nghi kị gian trá hoặc không kịp phản ứng, nhưng rốt cuộc Quyền đã lầm. Điều này có thể xảy ra nếu không có sự kiện Liêu, Điển dùng 800 quân tập kích ngờ. Khả năng thứ hai là Trương Liêu đã nhẫn nại và lựa chọn thời cơ cực kỳ chuẩn xác khi phía Ngô tưởng rằng đã an toàn và Tôn Quyền chỉ còn lại “đội xe Hổ sĩ hơn nghìn người, gồm có Lã Mông, Tưởng Khâm, Lăng Thống và Ninh, theo Quyền đến phía bắc bến Tiêu Diêu”.
Cho dù là khả năng nào đi nữa, các ghi chép của phía Ngô lẫn Ngụy đều thống nhất rằng Tôn Quyền bị tập kích bất ngờ, binh lực không nhiều. Đây căn bản là trận chiến lấy nhiều đánh ít, toàn quân Ngụy trong thành Hợp Phì được phát động, lấy khoảng năm, sáu nghìn người vây công hơn nghìn người phía Tôn Quyền. Quân Ngụy bằng cách nào đó đã hủy cầu, ép binh tướng Đông Ngô vào cục diện tử chiến. Tướng sĩ Đông Ngô liều mạng chiến đấu, lại thêm Hạ Tề kịp thời mang thuyền chở ba nghìn binh tiếp cứu nên hầu hết tướng lãnh đều an toàn, duy có Lăng Thống bị thương nặng, ba trăm thân binh không còn người nào.
Những câu chuyện thêu dệt
“Bến Tiêu Diêu, Trương Liêu khét tiếng” do đó thật ra chỉ là một trận chiến lấy nhiều đánh ít mà sở dĩ nổi tiếng là bởi có nhân vật bá chủ hàng đầu như Tôn Quyền làm nền, cũng giống như trận Đồng Quan, Mã Siêu khiến Tào Tháo phải cắt râu chạy trốn vậy. Một trận chiến như thế, không thể nào làm cho “trẻ con Giang Đông nghe đến tên Trương Liêu không dám khóc đêm” được. Về nguồn gốc điển tích này có lẽ xuất phát từ Ngụy Lược viết rằng “nếu trẻ không nghe lời thì dùng Trương Liêu để dọa”. Trần Thọ đã bỏ đi chi tiết này vì tính huyền ảo của nó nhưng đến Thái Bình Ngự Lãm đời nhà Tống thì lại càng khoa trương hơn, sau đó được La Quán Trung chép vào trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, lưu truyền đến hiện tại.
Trẻ con đã không thể dọa, thì càng không thể dọa một Ngô chủ tài cao gan lớn tự cưỡi thuyền nhẹ hướng đến chỗ quân Tào khiến cho Tào Tháo than thở “sinh con nên được như Tôn Trọng Mưu”. TQC, Ngô chủ truyện cũng kể, ba năm sau trận chiến bến Tiêu Diêu, “Quyền đi sang Ngô quận, tự mình cưỡi ngựa bắn hổ ở Hào Đình. Con ngựa mà Quyền cưỡi bị hổ đả thương, Quyền ném cung dùng song kích, hổ bị thương lui chạy”. Một người như thế, có đâu để bị Trương Liêu ám ảnh đến vì một người bệnh mà sợ hãi như trong TQC, Trương Liêu truyện viết được. Những lời Tôn Quyền nói “Trương Liêu tuy ốm bệnh, chẳng nên cùng hắn đối địch, hãy cẩn thận!”, xem xét một cách công bằng mà nói, là lời khuyên chớ có khinh địch, đúc kết từ kinh nghiệm cả đời lâm trận của mình. Kết quả sau đó, “Liêu cùng chư tướng phá tướng của Quyền là Lã Phạm”. Ai dám chê Tôn Quyền sợ một người bệnh?
Kết
Trận đánh trăm vạn người, bên thắng quy hết về công chủ tướng, đồn mãi sẽ ra công một người. Tào Phi điểm phá bằng một câu “Liêu, Điển dùng tám trăm bộ tốt, phá mười vạn giặc, kẻ dụng binh từ xưa, chưa ai được như thế” đánh trúng tâm lý xây dựng hình tượng anh hùng của con người e là đã ảnh hưởng đến sử quan đương thời. Trần Thọ ngày sau biên soạn Tam Quốc Chí, cũng chỉ có thể dựa trên những tư liệu này. Huống hồ, Trần Thọ cũng không viết rằng “Trương Liêu dùng tám trăm binh mã đại phá mười vạn đại quân của Tôn Quyền”, cũng không viết rằng “trận Tiêu Diêu khiến người Giang Nam kinh hồn, trẻ con nghe tên chẳng dám khóc đêm”, ấy vậy mà những chuyện này vẫn cứ được lưu truyền để bụi mờ thời gian che đậy chân tướng lịch sử.