Dân Việt

Tư Mã Ý khiến Gia Cát Lượng chết không nhắm mắt xuôi tay

Tổng hợp 26/11/2018 14:31 GMT+7
Có lẽ, ngay tới chính Tư Mã Ý cũng không thể ngờ rằng người lính quèn mà mình đề cử năm ấy lại dễ dàng tiêu diệt Thục Hán, lật đổ cơ nghiệp cả đời của Lưu Bị - Gia Cát Lượng.

Vào thời kỳ Tam Quốc quần hùng tranh bá, ai mới thực sự là người hưởng lợi nhất trước thế cục rối ren lúc bấy giờ vẫn là câu hỏi gây tranh cãi. Liệu đó có phải là một trong ba vị quân chủ Tào – Tôn – Lưu hay là một nhân vật khác?

Trên thực tế, nhìn tổng quát lịch sử giai đoạn này, có thể thấy người thắng sau cùng lại là Tư Mã Ý. Bởi sau cùng con cháu của dòng họ Tư Mã đã trở thành bá chủ thiên hạ.

Vào thời kỳ thế chân vạc còn tồn tại, Tư Mã Ý cũng không phải hạng bình dân vô danh mà cũng được biết tới là một mưu sĩ tiếng tăm lừng lẫy, trí dũng song toàn.

Bàn về thủ đoạn hay năng lực, ông không thua Gia Cát Khổng Minh. Luận về tài năng quân sự, Tư Mã Ý lại bộc lộ càng nhiều điểm xuất sắc.

Sự xuất chúng nổi bật nhất của nhân vật còn nằm ở việc không ngừng cất nhắc người có năng lực.

Vào những năm 24- 249, khi vẫn chỉ là một bề tôi dưới trướng Tào Phi, Tư Mã Ý từng phá lệ đề bạt một binh lính tầm thường.

Không ai ngờ rằng binh sĩ vô danh tiểu tốt năm ấy sau này đã làm được một điều mà cả đời Tư Mã Trọng Đạt cũng chưa thể thực hiện.

Nhân vật đó chính là Đặng Ngải – người khiến Lưu Bị và Gia Cát Lượng "chết không nhắm mắt".

img

Xét trên nhiều phương diện, năng lực của Tư Mã Ý đều không hề thua kém so với Gia Cát Lượng. (Ảnh minh họa).

Vị Đô úy họ Đặng thay đổi cuộc đời nhờ cơ duyên gặp gỡ Tư Mã Ý

Đặng Ngải (197 – 264), tự Sĩ Tái, là một đại tướng trứ danh của tập đoàn chính trị Tào Ngụy thời Tam quốc.

Ông lớn lên trong gia cảnh bần hàn, năm xưa từng cùng người nhà lưu lạc tới đất Thượng Thái thuộc Hà Nam, Trung Quốc ngày nay.

Vào thời kỳ phong kiến lúc bấy giờ, quan niệm về thứ bậc rất được coi trọng. Một người xuất thân thấp kém muốn công thành danh toại là việc hết sức khó khăn.

Đây cũng là lý do vì sao một Đặng Ngải dù tuổi trẻ tài cao lại chỉ làm tới giữ chức Đô úy điền nông - chức quan nhỏ có nhiệm vụ trợ giúp quan trên quản lý đất đai trồng trọt.

Vị Đô úy họ Đặng ấy từ nhỏ đã thích nghe những câu chuyện về hành quân đánh giặc. Chỉ cần có thời gian, ông luôn dốc lòng dùi mài binh pháp.

Mỗi khi đi qua núi cao hay sông sâu, Đặng Ngải thường có thói quen quan sát đặc điểm địa hình nơi ấy, sau đó đưa ra cách bày binh bố trận.

Mặc cho sự cười chê của nhiều người, vị Đô úy ấy vẫn luôn giữ thói quen dùi mài binh pháp, lại không ngừng âm thầm luyện tập cách dùng binh, bày trận.

Đặng Ngải giữ chức quan nhỏ ở địa phương trong khoảng thời gian gần 10 năm. Nếu không có cơ duyên gặp được Tư Mã Ý, có lẽ tài năng này của Đô úy họ Đặng sẽ mãi mãi bị chôn vùi ở nơi ruộng đồng thôn dã.

img

Cơ duyên gặp Tư Mã Ý đã giúp Đặng Ngải thay đổi cuộc đời. (Ảnh minh họa).

Một lần nọ, Đặng Ngải theo chỉ thị của quan trên đi Lạc Dương báo cáo, trùng hợp gặp được Tư Mã Ý. Bấy giờ, Tư Mã Ý cảm thấy vô cùng hài lòng với một số kiến nghị của ông về nông nghiệp.

Cảm mến tài năng của Đặng Ngải, ông đã phá lệ đề cử nhân tài này lên làm Thái úy. Không lâu sau đó, Đặng Ngải lại được bổ nhiệm lên chức Thượng thư lang.

Năm 241, Ngụy quốc mở mang khai hoang ở vùng Hoài Nam – Hoài Bắc. Nhờ có nhiều ý kiến do Đặng Ngải đề ra, nông nghiệp nhanh chóng phát triển, trăm họ an cư lạc nghiệp, xã hội phồn vinh, thực lực của vương triều cũng được củng cố.

Có thể nói, chủ trương chính trị - kinh tế của Đặng Ngải là một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp chính quyền Tào Ngụy giữ được thực lực mạnh nhất trong Tam Quốc vào giai đoạn hậu kỳ.

Sau khi Tư Mã Ý qua đời, con trưởng Tư Mã Sư lên nối chức, Đặng Ngải tiếp tục được trọng dụng và phong làm Thái thú Nhữ Nam, sau lên chức Thứ sử Duyện châu, Chấn Uy tướng quân.

Sau này, Đặng Ngải trở thành tướng quân của nước Ngụy. Năng lực bày binh bố trận xuất chúng có đất dụng võ, ông nhanh chóng trở thành một trong những danh tướng nức tiếng lúc bấy giờ.

Kế sách diệt Thục không đánh tự thắng khiến Lưu Bị, Khổng Minh "chết không nhắm mắt"

img

Nếu năm xưa Tư Mã Ý nỗ lực cả đời vẫn không thể triệt hạ Thục Hán thì người lính quèn được ông đề cử năm nào là Đặng Ngải đã lật đổ cơ nghiệp cả đời của Lưu Bị - Khổng Minh một cách dễ dàng. (Ảnh minh họa).

Dương lịch năm 263, Đặng Ngải cùng Chung Hội chia nhau dẫn quân tấn công Thục Hán, thay mặt Ngụy quốc chinh phạt Thục quốc.

Vào thời điểm chiến trận rơi vào thế giằng co, vị tướng họ Đặng đã quyết định tự mình dẫn theo một nhóm binh lính đột kích đại bản doanh của quân địch ở Thành Đô.

Bấy giờ, nhánh quân của Đặng Ngải ngày đêm trèo đèo lội suối, xuyên qua hoang mạc không người, băng qua núi cao trùng điệp, vượt muôn vàn trắc trở mới đến được Thành Đô.

Nhờ bước đột phá này, thế trận của cuộc chiến Ngụy – Thục năm ấy nhanh chóng thay đổi tình thế.

Bấy giờ, Hoàng đế Thục Hán là Lưu Thiện khi nghe thủ hạ báo rằng binh lính nước Ngụy đã đánh tới Thành Đô thì vô cùng khiếp sợ.

Vị quân chủ tham sống sợ chết này đã lập tức hạ lệnh cho binh lính mở cửa thành nghênh đón Ngụy quân. Thục quốc cũng coi như diệt vong từ đó.

Nhớ năm xưa Lưu Bị, Gia Cát Lượng vì giang sơn Thục Hán mà không tiếc máu xương, hao tốn hết tinh lực cả một đời. Nay đại nghiệp lại dễ dàng bị nhóm quân của Đặng Ngải hất đổ như vậy, chỉ e nếu họ ở suối vàng biết được cũng khó lòng nhắm mắt xuôi tay.

Nhờ nhanh nhạy nắm bắt tình thế, Đặng Ngải đã nghĩ ra kế sách xuất binh đánh bất ngờ vào đại bản doanh của địch.

Diệu kế của ông càng xuất chúng ở chỗ chỉ lựa chọn đi đường mòn thưa người, cố ý che giấu hành tung để khiến quân địch bất ngờ mà không kịp trở tay.

Nhờ sự sáng tạo này, chiến dịch không chiến tự thắng của vị tướng họ Đặng đã lập nên kỳ tích mà ngay tới Tư Mã Ý khi còn sống dù khao khát cũng chưa thể đạt được. Đó chính là đánh đổ Thục Hán.

Cái kết bi kịch của đại danh tướng tài cao nhưng kiêu ngạo

img

Mặc dù là một bậc tướng quân kỳ tài, nhưng Đặng Ngải lại có kết cục chẳng hề tốt đẹp. (Ảnh minh họa).

Liên quan tới việc Đặng Ngải tấn công Thục Hán còn có một giai thoại kể về việc trước kia ông từng mơ thấy một giấc mộng báo hiệu về trận chiến đánh Thục sau này.

Tương truyền rằng, có lần Đặng Ngải mơ thấy mình ngồi trên núi cao ngắm nhìn một con sông tuyệt mỹ, dưới núi nước chảy róc rách. Sau khi tỉnh lại, ông một mực băn khoăn về giấc mộng ấy, liền tìm Điền Lỗ nhờ Viên Thiệu giải mộng.

Viên Thiệu nghe xong, trầm tư hồi lâu rồi nói một câu rằng: "Cho dù có thể đánh thắng Thục Hán, chỉ sợ tướng quân cũng khó mà về nước".

Quả nhiên mọi chuyện sau này phát sinh hệt như lời tiên liệu ấy.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến Ngụy – Thục, Đặng Ngải cậy mình công to nên tự mình hành động, sau bị Chung Hội ghen tức tìm cách hãm hại.

Năm Cảnh Nguyên thứ 5 (năm 264), ông bị Tư Mã Chiêu bỏ ngục. Sau cùng, cả Đặng Ngải và con trai Đặng Trung đều bị Vệ Quán sai người giết hại.

img

Mặc dù sở hữu tài năng quân sự xuất chúng, nhưng Đặng Ngải lại bỏ mạng vì thái độ kiêu ngạo của mình. (Tranh minh họa).

Năm Kiến Trung thứ 3 (năm 782), Nhan Chân Khanh từng dâng tấu xin vua Đường Đức Tông truy phong, xây miếu lập điện thờ phụng 64 danh tướng thời trước. Trong số đó có bao gồm cả "Ngụy Thái úy Đặng Ngải".

Vào thời Bắc Tống, vị danh tướng họ Đặng này cũng từng được đưa vào cuốn "Thập thất sử bách tướng truyện".

Mộ của Đặng Ngải nằm tại thôn Hậu A thuộc trấn Lạc Tân, huyện Bồ Thành (Thiểm Tây, Trung Quốc). Tháng 7.1983, di tích này đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa.