Dân Việt

Nhung hươu Hương Sơn, cam Bù, bưởi Phúc Trạch góp mặt trong OCOP

Khánh Nguyên 23/11/2018 09:16 GMT+7
Với nhiều đặc sản truyền thống, Hà Tĩnh có nhiều lựa chọn để phát triển trong chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm.

Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm đặc sản truyền thống đang được quan tâm chỉ đạo mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị như: Cam chanh, cam Bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, nhung hươu Hương Sơn, mật ong Vũ Quang, rượu Can Lộc, rượu Cẩm Yên...Trên địa bàn tỉnh còn có các làng nghề truyền thống như: Nghề mộc Thái Yên, rèn Trung Lương, nước mắm Lạch Kèn, kẹo cu đơ các loại...

img

Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm lợi thế, có thể phát triển OCOP.  Ảnh: P.V

Đến nay, Hà Tĩnh đã hình thành trên 14.000 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giai đoạn 2013-2017 nông nghiệp tăng trưởng đạt 4,87%/năm, năm 2018 ước đạt trên 6,45%; giá trị trên đơn vị diện tích tăng từ 45 triệu đồng lên 75 triệu đồng/ha/năm.

Hình thành và phát triển được một số chuỗi liên kết sản xuất có hiệu quả trên một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thể của tỉnh; hình thành trên 6.500 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; góp phần chuyển dịch lao động và đa dạng hóa thu nhập cho người dân nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng nhanh, năm 2017 đạt 28 triệu đồng/người, tăng 4 lần so với năm 2008.

Trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp và đã đạt được kết quả khá toàn diện, có chiều sâu, bền vững trên các lĩnh vực. Đến nay toàn tỉnh có 125 xã đạt chuẩn (chiếm 59%), không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 2 xã cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu đến cuối năm 2018 có 01 huyện (huyện Nghi Xuân) đạt chuẩn NTM và đến cuối năm 2020 có 05 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 02 thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Bước vào thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Tĩnh bố trí kinh phí để lựa chọn và hỗ trợ thực hiện thí điểm phát triển, hoàn thiện, chuẩn hóa 6 sản phẩm tham gia OCOP, các sản phẩm này được xem như là mô hình nhằm rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng và là nơi để tuyên truyền học tập cho cộng đồng. Hiện đã xây dựng gần xong logo, bộ nhận diện thương hiệu OCOP Hà Tĩnh; Tổ chức tutyên truyền, tập huấn về Chương trình OCOP cho các cấp các nghành và các tầng lớp nhân dân; cụ thể hóa bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP và xây dựng quy chế quản lý sản phẩm OCOP.

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế,yếu kém trong phát triển sản xuất, Hà Tĩnh rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện Chương trình OCOP như  sau:

Một là, cần tập trung quán triệt, tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu để thống nhất trong nhận thức và hành động. 

Hai là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, kiến tạo cho cộng đồng phát triển. Trong công tác lãnh đạo chỉ đạo phải đồng bộ, quyết liệt, song không nóng vội, phải kiên trì, bền bỉ và chỉ đạo thực hiện liên tục theo chu trình. Chính quyền các cấp không được áp đặt ý chí chủ quan, can thiệp sâu vào quá trình sản xuất của cộng đồng.

Ba là, cán bộ là nhân tố quyết định trong tổ chức thực hiện thành công Chương trình; để thực hiện tốt thì phải có lực lượng chuyên nghiệp, chuyên trách ở các cấp, đồng thời bộ máy phải được trao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp, có đủ thẩm quyền để điều hành và quyết định công việc. 

Bốn là, phải có quy định pháp lý đồng bộ và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nâng đỡ cho các nỗ lực của cộng đồng. Chính sách phải bảo đảm vai trò dẫn dắt, tạo động lực mạnh mẽ cho cộng đồng, huy động cao, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thực hiện trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng, để họ thực sự là chủ thể trong quá trình tổ chức thực hiện.

Năm là, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công, do vậy cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị.  Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn VSTP theo tiêu chuẩn chung nhằm xây dựng được thương hiệu riêng OCOP. 

Sáu là, quá trình thực hiện cần có đội ngũ tư vấn hiểu biết sâu, rộng về phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường và cần nâng cao năng lực cho bộ phận nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại ở các cấp, đảm bảo đủ khả năng đánh giá, dự báo thị trường nhằm định hướng trong việc lựa chọn sản phẩm để hỗ trợ cho cộng đồng và là cơ sở để người sản xuất lựa chọn, quyết định quy mô sản xuất.