Dân Việt

Nhọc nhằn mồ hôi đêm mong có ký thịt ăn tết

04/01/2012 17:14 GMT+7
Đêm nào đôi vợ chồng già cũng lầm lũi ông kéo, bà đẩy chiếc xe tự chế chất đầy trái cây ra chợ từ lúc nửa khuya. Cả gia đình có đến bảy miệng ăn nên cực cỡ nào hai ông bà cũng tự bươn, không chờ lái vào thu mua.

Giữa khuya, lẫn trong những tấm lưng trần trai tráng thoăn thoắt xốc vác là dáng bộ điềm tĩnh, cẩn trọng của ông Lê Văn Liền khi vận chuyển những thùng trái cây cho các xe tải sắp hàng trong chợ trái cây Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang).

img
Ông Lê Văn Liền làm việc khuân vác giữa đêm tại chợ trái cây Vĩnh Kim

Dừng tay ăn một hộp xôi bé xíu lấy sức, người đàn ông 59 tuổi quệt những giọt mồ hôi túa đẫm mặt, nói: “Cuối năm việc nhiều nên ráng cày để mong cho hai đứa con đang học trên thành phố có đồng ra đồng vào”.

Làm thêm ca

Ông Liền thường hành nghề từ chập tối đến 4h - 5h sáng, những ngày cận tết thì từ 11h trưa và làm không nghỉ đến tận sáng, tính ra gần 20 tiếng đồng hồ một ngày, kiếm được hơn 200.000 đồng. “Bả nói tôi làm vừa sức thôi, tết bả chỉ mong mâm cúng đầy đặn đặt bàn mời tổ tiên được rồi” - ông Liền nhắc lời dặn của vợ, xong lại lao vào công việc.

Từ 1h sáng mỗi ngày, dưới ánh đèn neon lúc mờ lúc tỏ hắt ra của cơ sở làm nghề lột, chế biến vỏ dừa thành sợi ở ấp Vĩnh Trí, xã Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), đôi vợ chồng ông Ngô Văn Vệ và bà Nguyễn Thị Viền luôn tay thao tác lột vỏ những trái dừa.

Quơ tay quệt giọt mồ hôi trán, bà Viền tâm sự: “Sức như tụi tui hằng ngày phải biết vừa làm vừa dưỡng chứ không là chết chứ không chơi”. Nói thì nói thế nhưng dịp cận tết năm này, hai vợ chồng hễ ai kêu là đi, không kể ngày hay đêm.

Tâm sự của vợ chồng ông Vệ, bà Viền cũng là tâm trạng anh Võ Văn Hải (cùng ở ấp Vĩnh Trí, xã Khánh Thạnh Tân) và vợ mình. Mỗi đêm cận tết này anh Hải ráng sức lột cho đủ 8-10 cò dừa (mỗi cò 200 trái) để có được số tiền từ 150.000-200.000 đồng/đêm. Tuy nhiên, cũng có đêm ít dừa hoặc đuối sức nên anh Hải chỉ có thể lột được năm cò. “Giờ tui trẻ nên ráng nhận những ca làm đêm thêm, chứ mai mốt có tuổi thì muốn cũng khó có thể làm được vì công việc này hao sức dữ lắm” - anh Hải nói.

Chị Đinh Thị Em (ở ấp An Thạnh, xã An Lạc Tây) có chồng và con trai lớn đang làm thợ hồ. Ban ngày, chị và người con gái đi hái mận thuê. Đến chiều tối, hai mẹ con lại tranh thủ gia công làm lông mi giả. Mỗi cặp phải xỏ trên 80 cọng tóc nhỏ li ti qua khung niềng rồi thắt ép thành sản phẩm nhưng chỉ được 1.200 đồng. Mỗi đêm mẹ con chị làm được chừng 12.000 đồng mà thôi. Trong xóm nơi chị ở có khoảng chục hộ dân làm lông mi giả trong dịp tết này.

Chồng chị Em là anh Nguyễn Văn Em, bị gãy xương từ hồi đi hái dừa mướn. Dù biết mình sức yếu nhưng anh Em vẫn xin vào làm thợ hồ và làm cả ban đêm để mong có thêm chút tiền bù lại lúc thất nghiệp. Mỗi ngày làm thợ hồ được khoảng 80.000 đồng, làm thêm ban đêm có thêm 40.000 đồng. Gia đình anh Em đang ở đậu trên nền đất hàng xóm và đang cố gắng gồng sức để trả dần món nợ trên 10 triệu đồng mà anh vừa vay mượn để cất lại căn nhà.

Mò mẫm trong đêm

Khuất ở một góc chợ trái cây Vĩnh Kim, vợ chồng người nông dân Hoàng Văn Hai đều đã ngoài 60 tuổi kiên trì ngồi lặng trong đêm để chờ ba thùng trái sapôchê của mình có người đến nhận hàng. “Phải chở ra tận đây giao trực tiếp cho xe mới không bị ép giá” - ông Hai nói.

Đêm nào đôi vợ chồng già cũng lầm lũi ông kéo, bà đẩy chiếc xe tự chế chất đầy trái cây ra chợ từ lúc nửa khuya. Cả gia đình có đến bảy miệng ăn nên cực cỡ nào hai ông bà cũng tự bươn, không chờ lái vào thu mua.

Mới 8h tối, trong căn nhà xiêu vẹo ở ấp An Thạnh, xã An Lạc Tây, (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), chị Đoàn Thị Đẹp đã giăng mùng cho hai đứa con mới lên bảy, lên ba đi ngủ sớm rồi tất tả ra con mương, bờ ruộng gần nhà để vớt bắt từng con ốc đang chìm nổi trên mặt nước.

Người đàn bà 40 tuổi này cứ ngụp theo các bờ mương, con nước để nhặt nhạnh những con ốc nhỏ. Lặn lội giữa đêm cực khổ nhưng chị bảo cứ nghĩ đến con, đến ngày tết sắp đến mà trong nhà đến gạo cũng phải “ăn trước trả sau” chị lại bì bõm ráng sức. Bà Phan Thị Diễm, hàng xóm chị Đẹp, cho biết chồng chị đã bỏ mẹ con chị ra đi khi hai đứa con còn nhỏ.

Nhà không ruộng, mỗi đêm trong khoảng hai giờ chị vớt bắt được khoảng 3kg ốc bươu, ốc đá, sáng mang ra chợ bán được chừng 20.000 đồng. Với số tiền ít ỏi từ vài ký ốc sẽ khó mua được cho con quần áo mới ngày tết, nhưng chị nói: “Bắt được nhiều ốc, trả được tiền nợ, bà con sẽ lại cho tui mượn chút tiền ăn tết cho coi”.

Việc sắm sửa ăn tết với anh Tuấn và những người nghèo lặn lội mưu sinh mà chúng tôi gặp thật đơn giản: “Người nghèo như gia đình tụi tui chỉ mong có một ký thịt là ăn tết ấm cúng rồi”.

Làm đến cận tết

Anh Nguyễn Tuấn, trưởng một nhóm đào đất có 10 người ở xã Long Hưng Am (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho biết những năm gần đây vào dịp tết ít có người thuê đào đất nên khi có “hợp đồng”, anh em phải cật lực làm việc đến tối mịt để sáng mai đi nhận mối khác kiếm thêm tiền.

Trong đêm tối anh cùng mọi người trầm mình dưới nước xắn đào, rồi móc lên xuồng từng cục đất to để đưa vào bờ. Có ngày về đến nhà tay chân rã rời không nuốt nổi miếng cơm, nhưng rồi tờ mờ sáng hôm sau các anh lại ra đồng đào xúc. Cứ như thế các anh làm cho đến cận tết khi không có người thuê mướn nữa thì mới thôi làm.

Theo Tuổi trẻ