Nga đã đặt căn cứ ở Syria trước khi cuộc nội chiến bùng nổ ở nước này năm 2011.
Trả lời phỏng vấn các phóng viên, ông Jeffrey nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ ở lại Syria cho đến khi khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoàn toàn thất bại.
Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Syria cũng khẳng định, một khi Iran rút quân khỏi Syria và một giải pháp chính trị cho các vấn đề của đất nước này được thông qua, tất cả các lực lượng ngoại quốc khác cũng sẵn sàng rút lui.
Ông Jeffrey cũng thừa nhận rằng việc các nước rút quân khỏi Syria sẽ không ảnh hưởng tới Nga, do Moscow đã có căn cứ quân sự ở Syria trước khi cuộc nội chiến năm 2011 diễn ra. Chính vì vậy, Mỹ không đưa điều kiện Nga phải rút quân khỏi Syria vào danh sách những yêu cầu của họ.
Trước đó, ông Jeffrey từng nói rằng việc 5 lực lượng quân sự nước ngoài bao gồm Nga, Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng hoạt động ở Syria là nguy hiểm.
“Người Nga đã ở đây từ trước nên họ sẽ không rút đi, nhưng còn 4 lực lượng nước ngoài khác đều đang tác chiến trong lãnh thổ Syria. Tình hình hiện thời khá nguy hiểm”, quan chức ngoại giao nói.
Theo ông Jeffrey, Tổng thống Syria Bashar Assad không nên cai trị đất nước trong tương lai nhưng khẳng định, đó không phải là việc của Mỹ để lật đổ nhà lãnh đạo Syria.
Iran nhiều lần khẳng định rằng họ không triển khai quân đội tại Syria mà họ chỉ điều động qua các cố vấn quân sự theo yêu cầu từ phía Damascus và khẳng định họ sẽ ở lại Syria chừng nào quốc gia này còn cần sự hỗ trợ của Tehran.
Lực lượng Mỹ hiện đang hoạt động ở khu vực quản lý bởi lực lượng dân quân người Kurd, lực lượng đối lập với chính phủ Syria. Tuy nhiên, việc Washington hiện diện quân sự tại đây không được Liên Hợp Quốc cũng như chính phủ Syria thừa nhận và Damascus đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cuốn gói khỏi Syria.