Theo văn bản số 11297/VPCP-NN do ông Nguyễn Cao Lục, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), vừa qua có một số thông tin cho biết, hiện nay có quy định doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phải có 100% đất ở mới được chỉ định làm chủ đầu tư. Điều này đã gây cản trở các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư và khu dân cư nông thôn...
Bởi thực tế hiện nay các dự án đều sử dụng quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng. Các doanh nghiệp phải bỏ ra nguồn vốn rất lớn để giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư, nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Bộ TN&MT báo cáo về quy định buộc doanh nghiệp bất động sản phải có 100% đất ở mới được làm chủ đầu tư. Ảnh: V.D
Vì vậy, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn với các trường hợp doanh nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được chỉ định chủ đầu tư. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ TN&MT báo cáo nội dung quy định trên.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp gặp vướng mắc về chữ “đất ở” tại khoản 4 điều 23 Luật Nhà ở. Hai chữ này đã gây ra ách tắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề đang gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản liên quan đến quy định “doanh nghiệp phải có đất ở 100% mới được chỉ định làm chủ đầu tư”.
Theo Horea, quy định này đang gây ách tắc, khó khăn đối với tất cả doanh nghiệp BĐS. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, việc cơ quan nhà nước không giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án bất động sản đang là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm sản phẩm nhà ở.
Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay cao, bị rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí có nguy cơ phá sản... Từ giữa năm 2016 đến nay, HoREA đã có rất nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhưng vẫn chưa được giải quyết.