Dân Việt

24 giờ thay đổi từ phản cung đến nhận tội của cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa

Bảo Hà -  Phạm Dự 23/11/2018 07:13 GMT+7
Chiều 22.11, khi tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoá, cựu thiếu tướng, cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) bỗng bất ngờ thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Ông giải thích đã nhận tội từ khi cơ quan công tố ra cáo trạng vào cuối tháng 8. Tuy nhiên những ngày trả lời thẩm vấn vừa qua, do mất kiểm soát ông đã trả lời trái với tinh thần này để rồi bị cơ quan công tố đánh giá là "quanh co, chối tội, đổ lỗi cho người khác" với mức phạt đề nghị từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù.

Luật sư Đỗ Ngọc Quang của ông Hoá giải thích rằng trong quá trình điều tra, lời khai của thân chủ nhiều lần không thống nhất. Nguyên nhân do di chứng vết thương ở đầu từ thời chiến tranh. "Hai mảnh đạn vẫn găm lại khiến ông Hóa thường đau và phải ngủ ngồi. Tôi nói điều này mong HĐXX hiểu về cho tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng đến việc khai báo lộn xộn", luật sư Quang trình bày.

img

Ông Nguyễn Thanh Hóa nhận tội trong chiều 22.11. Ảnh: Giang Huy

Cục trưởng C50 không biết dùng máy vi tính

Phân tích bối cảnh năm 2010 khi C50 mới thành lập, luật sư Quang cho hay thời điểm đó đơn vị phòng chống tội phạm công nghệ cao trên toàn quốc này chỉ có 30 cán bộ, chiến sĩ được tập hợp từ nhiều đơn vị. Phương tiện kỹ thuật không có; trình độ hiểu biết công nghệ cao liên quan mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị kỹ thuật số gần như bằng không...

Theo luật sư, ông Hoá dù là Cục trưởng nhưng "không hiểu biết về mạng máy tính, công nghệ cao; thậm chí không biết sử dụng máy vi tính". Trước khi về lãnh đạo ở Cục mới này, ông công tác ở cơ quan phòng chống tội phạm kinh tế, chức vụ.

Hoàn cảnh đó khiến các cán bộ C50 phải vừa làm, vừa học, vừa đào tạo. C50 nhận thấy cần phải có một đối tác là cơ quan, tổ chức hoặc công ty hoạt động trong lĩnh vực mạng, kỹ thuật số để giúp phát hiện tội phạm mạng. Hơn nữa, Bộ Công an cũng cho phép C50 lập công ty bình phong... Từ đây, mối quan hệ giữa C50 và công ty CNC của Nguyễn Văn Dương được xác lập.

img

Luật sư Đỗ Ngọc Quang. Ảnh: Giang Huy

Hôm trước phản cung, hôm sau nhận tội

Hồ sơ vụ án cũng như bản luận tội đều thể hiện, cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa có một số hành vi phạm pháp như: Tự đề xuất, quyết định việc C50 góp vốn 20% vào công ty CNC, chưa góp vốn đã tự ủy quyền cho Dương đại diện vốn, ký các văn bản hoặc giao cho cấp dưới ký văn bản liên hệ cho CNC thuê trụ sở Công an tại số 10 Hồ Giám, đề nghị Tổng cục Cảnh sát cấp biển xanh 80A cho xe của CNC.

Khi cấp dưới báo cáo về việc CNC có dấu hiệu tổ chức đánh bạc qua việc tổ chức game bài thì ông Hóa gạt đi, cho rằng CNC không vi phạm. Ông không báo cáo kịp thời, trung thực với cấp trên lãnh đạo Bộ Công an về các dấu hiệu tổ chức đánh bạc của Công ty CNC.

Ông Hóa một mực phủ nhận những cáo buộc trên. Ông nhiều lần khẳng định CNC không phải là công ty nghiệp vụ của C50 từ 2011 đến trước tháng 5.2015. 

Ông Hoá nói C50 không có trách nhiệm với CNC

Trả lời thẩm vấn trước toà, ông Hoá khai được một thứ trưởng (đã mất) gọi lên hỏi về việc lập công ty bình phong rồi giới thiệu Dương. Sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cũng giới thiệu Dương và giục trình phương án lập công ty nghiệp vụ.

"Trước sức ép của cấp trên, lại lúng túng về thủ tục, áp lực với nhiệm vụ mới, ông Hóa đành để Dương lập CNC rồi thay mặt C50 ký bản ghi nhớ", cựu thiếu tướng nói.

Do không mặn mà với việc lập công ty nghiệp vụ nên dù CNC thành lập từ cuối năm 2011 nhưng tới giữa năm 2015 ông Hoá mới trình xin ông Vĩnh ký quyết định công nhận đây là công ty bình phong của Tổng cục Cảnh sát.

"Chúng tôi chỉ sử dụng anh Dương khi cần hóa trang nghiệp vụ chứ không hướng dẫn Dương đi sâu vào trinh sát, điều tra. Nhiều người nghĩ đây là công ty bình phong, nhưng thực chất không là gì cả, chỉ là phục vụ cho công an khi công an cần", ông Hóa phân bua về mối quan hệ với CNC ở giai đoạn sau 2015.

"CNC cứ nghĩ họ là công ty bình phong của chúng tôi. Nhiều người hiểu không đúng, kể cả anh Dương cũng ngộ nhận", ông Hóa nói và liên tục khẳng định CNC chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động kinh doanh. C50 chỉ phối hợp hoá trang nghiệp vụ.

Ông khẳng định không có chuyện ngăn cấp dưới điều tra, xác minh sai phạm của CNC. Cựu thiếu tướng cho rằng đã làm tròn bổn phận khi yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động với CNC, yêu cầu xử lý 96 con game, trong đó có RikVip... .

"Đầu 2017, tôi dừng hợp tác với CNC. Tôi đã làm hết sức mình. Nhưng sau đó cấp trên thanh tra toàn Cục, đình chỉ công tác của tôi", ông Hoà trình bày.

Điều duy nhất ông nhận tội là nhờ cấp trên Phan Văn Vĩnh ký hợp thức hóa văn bản không số về nội dung góp vốn, nhân sự vào CNC khi C50 bị Tổng cục Cảnh sát thanh tra.

img

HĐXX chiều 22.11. Ảnh: Giang Huy

Nhiều lần trong chiều 20 và sáng 21.11, khi chủ tọa hỏi có giữ nguyên những lời khai này, ông Hoá đều khẳng định chắc chắn "có". 

Song chỉ sau một ngày, vào chiều 22.11, ông Hóa bỗng trình bày với nội dung khác hẳn. Ông nhận tội, gửi lời xin lỗi Bộ Công an và thanh minh "muốn xây dựng C50 thành đơn vị tiên tiến trong phòng chống tội phạm".

"Tôi đến nông nỗi này đã ảnh hưởng tới Bộ Công an, Đảng. Tôi xin lỗi toàn bộ chiến sĩ chống tội phạm công nghệ cao toàn quốc vì tôi đã xóa đi hình ảnh đẹp của họ", ông nói.

Với CNC và Dương, ông Hóa cũng chuyển sang khẳng định có cộng tác. CNC đã giúp C50 rất nhiều ngay từ đầu, giúp về phần mềm, về kỹ thuật, về con người, đào tạo. Ông "xin lỗi Dương cũng như CNC" do đã có những lời khai khiến Dương bức xúc phải thốt lên trước toà rằng "vô cùng thất vọng".

Tất cả lời khai chống lại cựu cục trưởng C50

Bởi phản cung ở phần thẩm vấn nên trong vụ án này cựu cục trưởng C50 phải đối chất với nhiều người nhất gồm cả bị cáo, cấp dưới, đồng nghiệp, đối tác.

Sáng 21.11, Dương khai CNC nỗ lực cố gắng để đạt mong muốn của các lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát song "hôm qua thấy anh Hóa phủ nhận hết trách nhiệm". Với Dương điều này "thật đáng buồn".

"Nếu nói việc ký ghi nhớ không có giá trị xác lập CNC là công ty bình phong nhưng vì sao sau đó lại ký tất cả ủy quyền cho tôi. Nếu không, hàng tháng, quý năm, vì sao tôi phải báo cáo hoạt động", Dương dẫn chứng.

Do ông Hoá phủ nhận CNC là công ty bình phong nên Dương cũng không còn muốn nói về điều này, giờ muốn thoát khỏi "cái bóng" đó. Cựu chủ tịch CNC nói: "Mong HĐXX xử tôi với tư cách doanh nghiệp bình thường dù hình phạt ấy có thể cao hơn với công ty nghiệp vụ".

Ngoài Dương, gần chục sếp công an được triệu tập đến tòa đối chất vào chiều 20 và sáng 21.11 đều có lời khai thể hiện ông Hóa có sai phạm đúng như nội dung truy tố.

img

Ông Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương đối chất sáng 21.11. Ảnh: Phạm Dự

Bốn nguyên cán bộ ở phòng tham mưu, phòng nghiệp vụ của C50 khai từng nhiều lần báo cáo, đề xuất với ông Hóa về game đánh bạc của CNC nhưng đều bị gạt đi.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - nguyên Trưởng phòng 4, C50 còn cho hay cuối năm 2011 đã dự lễ ra mắt công ty bình phong CNC tại một khách sạn cao cấp ở Hà Nội và cục trưởng Hoá có lên phát biểu. Năm 2016, bà dự lễ tổng kết 5 năm công ty bình phong CNC ở trụ sở Bộ Công an và thấy có lãnh đạo Cục, Tổng cục tham dự.