Mùa lấy mật bắt đầu khi những cánh rừng bạt ngàn trăm hoa đua nở, đàn ong dập dìu bay đi tìm hoa. Mùa mật kéo dài khoảng 3 tháng.
Rừng núi bạt ngàn, song không phải ngọn núi nào cũng có ong mật. Trước đây, mật ong chỉ có trên đỉnh A Linh, A Teng, Um Pup, Among, A Tep… muốn lên, phải mất mấy "con trăng".
Mùa đi lấy mật ong của đồng bào dân tộc ở A Lưới. |
Người đi lấy mật cũng có hội, có phường. Sau bữa ăn "thịnh soạn" để bù vào những ngày kham khổ sắp tới, họ âm thầm khởi hành. Lúc đặt chân đến cửa rừng, người dẫn đường mới "thì thầm" cho biết sẽ đi đâu. Chẳng biết, đó là luật tục hay để giữ bí mật lộ trình? Đoàn người lấy mật gùi theo nào gạo, thức ăn khô, thuốc men, mùng mền, cây rựa, và dây thừng... Đi theo nhóm ba, bốn người để hỗ trợ nhau.
Trên rừng, hai loài ong ruồi và ong mật làm tổ khác nhau. Ong ruồi làm tổ trong hốc cây hay hang đá, mật thơm ngon nhưng rất hiếm. Ong mật làm tổ trên cây cao - người Tà Ôi gọi là "ong treo". Chỉ cần may mắn được 3 tổ ong mật, chuyến đi ấy coi như trúng đậm.
Những năm gần đây, lộ trình của người đi lấy mật ong rừng ngày càng dài thêm, bởi rừng đã bị bọn lâm tặc, tìm vàng khuấy động, đàn ong sợ hãi bay đi, mật ong rừng trở nên khan hiếm. Người ta tận dụng những hốc cây hoặc hang đá bịt kín lại, chỉ chừa những lỗ nhỏ, dẫn dụ ong ruồi đến làm tổ. Khi có mật, của ai người ấy biết. Người giàu kinh nghiệm không bao giờ để lộ hành trình.
Mật ong tìm được, được chiết tách để loại riêng sáp và xác ong, sau đó lọc thật kỹ lần nữa, rồi cho vào chai thủy tinh. Nếu không tinh khiết, vài ngày sau mật sẽ chua.
Hết mùa đi lấy mật ong, núi rừng quạnh hiu! Nhìn hoa rừng thưa thớt dần, người A Lưới lại đợi chờ hoa xuân nở rộ, đàn ong dập dìu tìm hoa đón mùa mật mới…
Vũ Hào