Nguyễn Ngọc Thuận (huyện Hóc Môn, TP HCM) hỏi: Cạnh nhà tôi có một công ty sản xuất gỗ thường xuyên hoạt động quá giờ, tiếng máy chạy rất to gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở khu phố. Tôi phải làm sao?
Ảnh minh họa.
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), trả lời: Theo quy định tại điều 17 của Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn được quy định như sau: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đối với các vi phạm quy định tại điều này gây ra. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại điều này.
Theo quy định tại điều 5 của Nghị định số 179 thì mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại điều 17 nêu trên là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.
Do vậy, tùy mức độ vi phạm, hành vi vi phạm quy định về gây tiếng ồn sẽ bị phạt tiền theo quy định từ khoản 1 đến khoản 9 điều 17. Ngoài phạt tiền, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn và đình chỉ hoạt động của cơ sở. Đồng thời, buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật, buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường, mà không có biện pháp khắc phục hậu quả là di dời chỗ khác.
Bạn gửi đơn phản ánh đến xã nơi công ty có trụ sở để được xem xét giải quyết.