VPF cố tình không hiểu luật?
Chiều qua, ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF tiếp tục ký văn bản răn đe VPF với việc dẫn chứng rất nhiều điều luật, trong đó nhấn mạnh tới khoản 7, điều 71, Luật Thể dục thể thao: “Liên đoàn Thể thao QG có quyền tổ chức, quản lý các giải thể thao QG tại Việt Nam”.
Việc ủy quyền của VFF cho VPF chỉ có hiệu lực sau khi VPF đáp ứng đủ hai điều kiện: Thứ 1, VPF phải hoàn thành thủ tục để trở thành thành viên của VFF.
VFF và VPF vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về bản quyền. |
Thứ hai, VPF phải hoàn tất việc ký hợp đồng nhận ủy quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN. Vì VPF chưa đáp ứng cả hai điều kiện nói trên tính đến hết ngày 4.1.2012 nên việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý.
Ngoài các điều kiện trên, VFF chỉ ủy quyền cho VPF khi VFF đã thông báo và được đối tác (ở đây là AVG) đồng ý…
Trong công văn của VFF gửi VPF nêu rõ: “Việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp VN của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao và điều lệ VFF cũng như không tôn trọng VFF…
VFF yêu cầu trong khi chờ đợi để hoàn thành các thủ tục để VPF nhận ủy quyền đầy đủ của VFF, VPF phải thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của VFF, nhất là trong các trường hợp có vướng mắc phát sinh”.
VPF gửi công văn lên Bộ
Trả lời Dân Việt tối qua về những vấn đề được nêu trong công văn của VFF, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch HĐQT VPF nói: “Tới 17 giờ ngày 4.1 chúng tôi mới nhận được công văn nên phải đến sáng 5.1, chúng tôi mới có công văn trả lời được”.
Trong ngày 4.1, ông Kiên đã ký công văn gửi Bộ Tư pháp, Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xem xét tính hợp pháp của Hợp đồng số 08/HDD2010/VFF-AVG ngày 8.12.2010: “VPF luôn mong muốn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của VFF, nhưng VPF nhận thấy nếu thực hiện hợp đồng nói trên sẽ không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”.
Theo VPF, căn cứ vào điều 53 Luật Thể dục thể thao, quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB. Nhưng khi ký hợp đồng, VFF chưa có được sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB bóng đá chuyên nghiệp về việc ủy quyền cho VFF đại diện các CLB đàm phán, ký kết hợp đồng. Chưa hết, theo VPF, vào thời điểm ký hợp đồng ngày 8.12.2010, AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo các quy định của pháp luật (?!).
Trước những diễn biến đôi co giữa VFF-VPF, AVG đã chính thức gửi văn bản đến Bộ VHTTDL chủ động đề nghị Bộ kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG, nhằm có thông tin khách quan, chính xác cung cấp cho công luận.
AVG cam kết sẵn sàng bỏ chi phí cần thiết để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc xây dựng các kế hoạch và đề xuất các giải pháp cho Bộ VHTTDL, VFF trong việc nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam.
Chính Minh