Dân Việt

Giúp cả bản xóa nghèo từ cà phê, ngô giống mới

13/09/2012 10:08 GMT+7
(Dân Việt) - Đến bản Ten, xã Chiềng Chung - một xã nhiều khó khăn của huyện Mai Sơn (Sơn La), hỏi thăm gia đình chị Cầm Thị Chồm ai cũng biết, bởi chị là điển hình xoá nghèo từ cây cà phê và ngô giống mới.

Bản Ten là bản của đồng bào Thái, có 73 hộ sống bằng nghề nông nhưng nơi đây vừa có địa hình dốc, lại khan hiếm nước nên đời sống của bà con rất khó khăn. Ông Cầm Văn Tương - Bí thư Chi bộ bản cho biết: Muốn xoá nghèo thì phải chuyển đổi sản xuất. Mà muốn chuyển đổi sản xuất thì phải có người đi tiên phong. Gia đình chị Chồm là một trong những hộ dám tiên phong chuyển đổi đất trồng ngô, sắn sang trồng cà phê và đã thành công".

img
Chị Chồm một trong những người tiên phong xóa nghèo ở bản Ten.

Nhưng việc chuyển đổi không đơn giản, bởi thời gian kiến thiết cơ bản của cây cà phê ít nhất cũng mất 3 năm mới cho thu hoạch, nên bà con chưa thật sự yên tâm. Chị Chồm kể: “Lúc đầu tôi cũng không dám trồng nhiều cà phê vì lo đói lương thực, lo cây cà phê bị sương muối, chăm vất vả hơn trồng ngô, sắn... Nhưng nghĩ mình còn trẻ, không mạnh dạn thì bao giờ mới hết nghèo. Được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn, tôi đi tìm hiểu những vùng cà phê ở xã khác trong huyện. Trở về, tôi động viên mọi người trong gia đình đưa cả ha đất nhiều năm trồng ngô vào trồng cà phê. Ba năm đầu cũng vất vả lắm nhưng bây giờ thì mỗi năm tôi cũng thu được 40-50 triệu đồng rồi. Ba năm nay gia đình tôi không thuộc diện nghèo nữa”.

Cách xoá nghèo của chị Chồm được dân bản học hỏi. Chị nhiệt tình hướng dẫn mọi người cách trồng, chăm bón, thu hoạch cà phê như một cán bộ khuyến nông. Những gì chưa hiểu, chị mạnh dạn tìm cán bộ khuyến nông, nghe đài, đọc sách báo để hiểu rõ và giải thích cho mọi người. Thấy chị nói được, làm được, lại nhiệt tình, chị em trong bản đã bầu chị làm Chi hội trưởng phụ nữ.

Chị Chồm tâm sự: "Từ khi thực hiện chuyển đổi sản xuất thành công, tôi có thêm kinh nghiệm để vận động mọi người cùng làm. Cũng nhờ cây cà phê mà sang năm 2012 này, cả bản chỉ còn 11 hộ nghèo. Nếu tích cực chuyển đổi cây trồng, số hộ nghèo sẽ giảm nhanh thôi". Để giúp các hộ đảm bảo đủ lương thực, chị Chồm hướng dẫn bà con chuyển đổi từng phần đất canh tác; diện tích canh tác còn lại trồng những giống sắn, ngô giống mới, có năng suất cao để bù đắp thu nhập hàng năm. Nhờ thế bản Ten nhà nào cũng trồng cà phê. Hiện bản có hơn 40ha cà phê. "Vụ vừa rồi thu nhập từ cà phê của bản lên tới hàng tỷ đồng. Bà con thấy rõ cái lợi nên hăng hái đầu tư lắm. Nhiều hộ đã phát triển diện tích cà phê lên 1,5-2ha" - chị Chồm bảo.