Dân Việt

Không chủ quan, các tỉnh phía Nam căng mình đón bão số 9

Khánh Nguyên (TH) 24/11/2018 14:19 GMT+7
Để ứng phó với bão số 9 và hoàn lưu sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Phương án 5047/PA-PCTT chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng triển khai ngay các phương án tác chiến.

Ninh Thuận lên phương án chống bão

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giao UBND các huyện, thành phố ven biển khẩn trương rà soát, kiểm tra dân cư sống tại vùng ven biển, vùng cửa sông, lồng bè nuôi trồng thủy sản để có phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho người. Đồng thời tổ chức lực lượng xung kích tuyên truyền vận động và hỗ trợ nhân dân khu vực ven biển tổ chức chằng chống nhà cửa để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào bờ. Tất cả các công việc phải hoàn thành trước 17 giờ 00 phút ngày 24/11/2018.

img

Ngư dân Đông Hải kéo, neo đậu các phương tiện đánh bắt thủy sản vào bờ tránh bão (Ảnh: Hữu Phương)

Khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng nuôi trồng thủy sản, phương tiện thủy nội địa... trên địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân biết chủ động di chuyển lồng bè về nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra; kiên quyết di chuyển người ra khỏi các tàu, thuyền, phương tiện, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, hải sản...trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân.

Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Khai thác các cảng cá và UBND các huyện, thành phố ven biển: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9 trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven bờ để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 13 giờ ngày 24/11/2018.

img

Người dân Đông Hải chắng níu nhà cửa chống bão số 9 (ảnh Hữu Phương)

Đối với khu vực miền núi, trũng thấp, ngập lụt, bão đổ bộ vào, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giao các UBND huyện, thành phố khẩn trương rà soát, để chủ động có phương án ứng phó, khắc phục và kịp thời tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn. Để hỗ trợ các chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tăng cường, bố trí 857 người, 8 xuồng, 21 ca nô tham gia cứu nạn, cứu hộ sơ tán dân. 

Hiện đã có 384 tàu, thuyền của địa phương và ngoài tỉnh đang neo đậu tại Cảng cá Đông Hải; đối với 37 chiếc tàu đang neo đậu ngoài khơi, địa phương đã liên lạc và yêu cầu về nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, phường phối hợp với Trạm Biên phòng Đông Hải, Đồn Biên phòng Ninh Chữ vận động các hộ nuôi lồng bè ký cam kết đưa lồng bè về Khu quy hoạch C1 và di dời toàn bộ lao động trên lồng bè lên bờ để tránh thiệt hại trong mưa bão...

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tại huyện Ninh Phước, chính quyền địa phương huy động cả hệ thống chính trị vận động nhân dân chằng chống nhà ở và có phương án huy động lực lượng, phương tiện di dời trên 3.000 hộ, với 9.686 người dân sinh sống ven biển, ven sông đến nơi trú ẩn an toàn. Toàn huyện huy động trên 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, dân quân, thanh niên xung kích sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão lũ. 

Tại huyện Ninh Sơn để chủ động ứng phó với cơn bão số 9 và tình hình mưa lũ trên địa bàn, ngay sau khi có công điện hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, các cơ quan, đơn vị nâng cao cảnh giác phòng, chống thiên tai, chủ động chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu vực đô thị, khu đông dân cư để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. 

Bình Thuận: Tập trung sơ tán dân

Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 8 giờ sáng nay, trên đảo Phú Quý bắt đầu có mưa lớn, gió cấp 7-8.

Đến thời điểm hiện tại, huyện chưa có thiệt hại về người và tài sản. Bão dự kiến sẽ đổ bộ từ ngày hôm nay, nên hiện nay huyện cho xe lưu động thông báo liên tục, để người dân chủ động phòng tránh. Đồng thời khuyến cáo bà con không được ra đường khi bão vào.

img

Đưa thuyền vào bờ trên đảo Phú Quý. Ảnh: Báo Bình Thuận.

Tổng số tàu thuyền của huyện hiện có 1.394 chiếc/6.908 lao động, trong đó tàu thuyền đang hoạt động trên biển 1 chiếc 5 lao động (BTh-95567-TS), tàu đang neo đậu an toàn tại đảo Đá Lát. Số tàu thuyền đang neo đậu tại các bến 925 chiếc, cụ thể tại Phú Quý 625 chiếc. Trong đất liền 300 chiếc. Số tàu thuyền kéo lên bờ 468 chiếc. Hiện nay các tàu thuyền đã được chằng buộc an toàn và các lao động đã rời khỏi tàu. Đối với 2 tàu cá ngoài địa phương, đã đưa các ngư dân về nhà người dân trú ẩn.

Hiện có 59 cơ sở/1.073 lồng, các chủ lồng bè đã thực hiện chằng buộc lồng bè an toàn và đưa hải sản nuôi vào giữa lồng để hạn chế sự ảnh hưởng của bão. Công tác đè mái nhà ở các hộ dân đã hoàn thành; các cơ quan, trường học, xí nghiệp đã được kiểm tra, chằng buộc đảm bảo.

Các địa phương đã rà soát theo phương án di dời đối với các hộ dân ở các điểm xung yếu. Tổng số các hộ dân cần di dời: 189hộ/ 912 khẩu, trong đó xã Ngũ Phụng 28/132 khẩu, hiện nay đã di dời đến nơi an toàn.  Xã Tam Thanh 54/235 khẩu, hiện nay đã di dờ 03 hộ/ 22 khẩu; 2 hộ cam kết đảm bảo tại chỗ, còn lại đã thống nhất di dời và UBND xã đang tiếp tục vận động. Xã Long Hải 107/545 khẩu, hiện nay đã di đời 100 hộ/ 507 khẩu đến nơi an toàn; 7 hộ/ 38 khẩu cam kết đảm bảo an toàn tại chỗ. 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, hiện nay tại các nơi neo đậu có rất đông tàu thuyền, riêng La Gi khoảng 2000 phương tiện/10.000 lao động, Phan Thiết khoảng 1.500 phương tiện. Thông thường sau bão sẽ có hiện tượng nước từ các đầu nguồn đỗ về gây ngập nhà dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tàu thuyền neo đậu. Đã có trường hợp nước lũ dâng khiến tàu thuyền va đập vào nhau, người dân hoảng loạn, do vậy các lực lượng cần chủ động nắm tình hình, có phương án xử lý đảm bảo an toàn về người và tài sản người dân.  

Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng nhiều phương án bảo đảm an toàn nhưng hiện nay cần tập trung cho việc sơ tán dân. Riêng tại Phú Quý, dự báo khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là xã Tam Thanh, 2/3 người dân nằm trong vùng nguy hiểm đã được sơ tán lên Núi Cấm để tránh bão.