Dân Việt

Tin bão khẩn cấp: Tối nay bão sẽ đổ bộ Nam Bình Thuận đến Bến Tre

Đình Thắng 24/11/2018 15:27 GMT+7
Hoàn thành ứng phó bão số 9 trước 4 giờ chiều nay 24/11- Đó là yêu cầu của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đối với công tác ứng phó cơn bão số 9, dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bình Thuận đến Bến Tre trong tối nay (24/11).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 200km, cách Bến Tre 230km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.

img

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 200km, cách Bến Tre 230km. Ảnh: nchmf

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 01 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.

img

Các địa phương đặc biệt cảnh báo người dân cảnh giác, đề phòng giông, lốc xoáy nguy hiểm trước bão. Ảnh: IT

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Nam Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy trong chiều và đêm nay. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.

img

Công tác ứng phó bão phải hoàn thành trước 16 giờ chiều nay khi dự diễn báo sẽ đổ bộ đất liền vào đêm 24/11. Ảnh: IT

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tăng cường, từ gần sáng và ngày mai (25/11) ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều nay (24/11), trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay (24/11).

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-400mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

Cảnh báo lũ: Từ nay đến 27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Để công tác ứng phó cơn bão số 9 được triển khai tốt nhất, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tại, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh các địa phương đặc biệt cảnh báo người dân cảnh giác, đề phòng giông, lốc xoáy nguy hiểm trước bão.

Các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ trong vùng ảnh hưởng của bão tiếp tục rà soát địa bàn để quản lý chặt chẽ công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ chứ, phương án xả lũ khi có mưa lớn cục bộ. Ông Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý, công tác ứng phó bão phải hoàn thành trước 16 giờ chiều nay khi dự diễn báo sẽ đổ bộ đất liền vào đêm cùng ngày.

Cũng trong sáng nay, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã có công văn hoả tốc gửi các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó với mưa lớn.