Dân Việt

Từ hôn chỗ ngồi đến... lên giường cùng thần tượng

13/04/2012 06:10 GMT+7
Dân Việt - Khi nhìn thấy thần tượng, các em mặc áo khoác giữa mùa hè cho giống, la hét, khóc lóc, ngất xỉu… Nếu như chụp ảnh được với thần tượng thì phóng to đặt lên bàn như thánh sống...

1001 cách hâm mộ

Có người nổi tiếng trong giới showbiz là có đám đông. Trong đám đông đại đa số là các em tuổi teen. Có vô vàn cách bày tỏ sự hâm mộ. Từ ăn mặc, đầu tóc, trang điểm giống thần tượng, đồ dùng cái gì cũng có hình thần tượng đến việc nhún nhảy, hát như thần tượng.

Từ nhịn ăn, trốn học để chờ đón rước thần tượng ở sân bay, đến xin tiền, dọa bố mẹ để được mua vé xem chương trình ca nhạc của thần tượng (một cặp vé có giá vài triệu đồng), thậm chí đòi bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để đón thần tượng.

img
Nữ sinh CN (Hải Phòng) đột ngột rút đơn tố cáo ca sĩ Châu Việt Cường cưỡng hiếp mình

Khi nhìn thấy thần tượng, các em mặc áo khoác giữa mùa hè cho giống thần tượng, chen lấn xin chữ ký, rồi la hét, khóc lóc, ngất xỉu, chắp tay vái lạy… Nếu như chạm được vào vạt áo thần tượng đã nhảy lên vì sung sướng, chụp ảnh được với thần tượng thì phóng to đặt lên bàn như thánh sống.

Gần đây, trong đêm ca nhạc giao lưu Việt Hàn, nhiều cô cậu còn xúm vào hôn cái ghế mà Bi Rain đã ngồi. Điều này khiến nhiều người thấy bẩn đến “nổi gai ốc”. Nhưng sự “mất vệ sinh” này không chỉ ở hình thức mà điều này còn len lỏi vi trùng phá hủy cuộc sống của nhiều em gái.

Sự việc rùm beng gần đây nhất liên quan đến “thần tượng” là thiếu nữ CN, 17 tuổi (ở Hải Phòng) viết đơn tố cáo ca sĩ Châu Việt Cường hiếp dâm mình khi đến nhà ca sĩ này chơi.

Trong lời phân trần của ca sĩ Châu Việt Cường có đoạn: “Khi cô ấy vào nhà, tôi phải chốt cửa lại vì nhà tôi ở chung cư. Tôi nhớ hôm đó trời rất lạnh, tôi mặc bộ đồ ngủ, nằm đắp chăn trên giường, còn cô ấy ngồi dưới ghế.

Tôi nói trời lạnh nên cô ấy hãy lên đây ngồi tâm sự với anh. Cô ấy lên giường, chúng tôi ngồi tâm sự với nhau, tôi có ngỏ lời yêu cô ấy, tất nhiên cô ấy chưa nhận lời. Nhưng được một lúc thì chúng tôi ôm nhau, hôn nhau, cô ấy cũng bày tỏ tình cảm lại với tôi. Chúng tôi cùng quan hệ tình dục”.

Nhiều người đặt câu hỏi: “Khi đến nhà ca sĩ Châu Việt Cường, một mình nam nữ, cô bé có từng lo lắng chuyện mình sẽ bị quấy rối tình dục? Thậm chí khi bị anh này “rủ lên giường đắp chăn”, cô có biết mình sẽ bị cưỡng bức? Và cô có lường được hậu quả sau này mình phải gánh chịu, hay chỉ là một hành động “xả thân vì thần tượng”?

Nhầm lẫn thần tượng

Thần tượng là một giá trị văn hóa được người hâm mộ “tự phong”. Vì vậy, nếu người nào đó thiếu văn hóa thì không phải thần tượng. Thần tượng càng không đơn thuần là khuôn mặt đẹp, giọng hát hay hay tài năng tuyệt đỉnh nào đó.

Không phải vô cớ mà ca sĩ Châu Việt Cường lại khoe khoang chiến tích tới mức như thế này:

“Tôi là người nổi tiếng, nhiều người hâm mộ lắm, nhưng tôi đâu có ngủ với nhiều người. Tôi phải chọn ai thích thì tôi mới ngủ chứ tôi không phải là bạ ai cũng ngủ. Nếu tôi nảy sinh ý định mà cô ấy không thích thì tôi đâu có ngủ. Có người nhắn tin là em chỉ cần ngủ với anh một lần thôi là mãn nguyện lắm rồi”.

Đã là thần tượng cần phải có lối sống đẹp cho xứng với vẻ đẹp tài năng để có sức cảm hóa người hâm mộ. Đáng tiếc, nhiều em gái đã tự tô vẽ, tự tưởng tượng những giá trị không có thật cho một vài nhân vật chỉ có hào nhoáng bề ngoài.

Còn một số người trong giới showbiz cũng không xứng đáng trở thành thần tượng đối với một số teen. Họ chỉ lợi dụng sự nổi tiếng, lợi dụng các chiêu bài lăng xê, lợi dụng sự hào nhoáng của ánh đèn sân khấu để làm lóa mắt các em. Còn có không ít gã bắt chước phong cách của ca sĩ A, nghệ sĩ B mà các em hay thần tượng để lừa phỉnh, dụ dỗ tình cảm, thân xác.

“Trong khi đó, tuổi teen rất dễ nhầm lẫn trong việc nhận biết đâu là điều tốt thực sự, đâu là vỏ bề ngoài. Các em chỉ thấy một người có thể đứng trên sân khấu, phong cách thanh lịch, nói những lời có cánh, lại biết đàn hát hào hoa là các em tin tưởng, yêu quý, thậm chí si mê đến cuồng dại. Không ít em có suy nghĩ được chạm vào thần tượng, được hiến thân cho thần tượng là một vinh hạnh.

Nguy hiểm nhất chính là các em tự xây dựng một cuộc đua ngầm trong lớp, trong trường, trong nhóm về các thần tượng của mình. Nếu bạn nào học giỏi, không biết về ca sĩ hot, bài hát top còn bị chê cười là quê mùa, lạc hậu”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho biết.

Không ít người giật mình và không hiểu nổi sự hồn nhiên, dại dột của các fan hâm mộ. Đối với một người không hề trân trọng. nâng niu tấm chân tình của các em, khoe ra như “thành tích” nhưng các em lại hết lòng hết dạ, nhầm lẫn từ hâm mộ sang yêu thương. Thần tượng "dỏm" nhưng để lại hậu quả thật và các em phải gánh chịu.

Thực tế, sẽ còn bao nhiêu những người coi rẻ tấm lòng của thần tượng như Châu Việt Cường? Sẽ còn bao nhiêu em gái ngây thơ trao tình cảm trong sáng của mình cho những thần tượng “dỏm” khác? Thậm chí, khi sự chói lóa của Châu Việt Cường đã bị bóc mẽ “đen sì” cũng sẽ làm rất nhiều tình cảm của các em bị đổ vỡ, tổn thương.

Phòng bệnh từ “trứng nước”

Theo ông Chất, nhiều thầy cô, cha mẹ cho rằng, việc con mình thần tượng, si mê một ai đó chỉ là “bệnh” của tuổi teen, qua tuổi đó sẽ hết, không cần lo lắng, không cần can thiệp. Nhưng rõ ràng, nếu cứ thả lỏng cho các em gửi gắm tình cảm và sự tin tưởng vào một thần tượng “rỏm” thì rất có khả năng các em bị tổn thương nghiêm trọng kể cả thể xác lẫn tinh thần.

Nếu như các thần tượng đó lợi dụng sự mù quáng của các em để gạ gẫm thân xác, lừa lọc tiền bạc. Khi gửi gắm niềm tin sai lầm, các em cũng có thể bị thất vọng, đau khổ... Cũng sẽ có em tỉnh ngộ không thần tượng lung tung nữa, nhưng cũng sẽ có em mất mát niềm tin, nếu không có chấn chỉnh kịp thời, sự tổn thương đó sẽ khiến cuộc đời của các em bước sang một sai lầm khác.

Khi nhận thấy con bắt đầu ấp ủ các giấc mơ về thần tượng, cha mẹ không nên ngăn cản, cấm đoán mà nên tìm hiểu về nhân vật đó, chia sẻ với con về điều tốt của họ. Đồng thời cha mẹ nên thảo luận với con về những giá trị ảo để con nhận biết đâu là tài năng thực, đâu là hào nhoáng bề ngoài. Điều này sẽ giúp con không lơ lửng mây gió với thần tượng mà sớm trở về thực tại.

Còn đối với giáo dục, cần sớm đưa vào chương trình giáo dục, sinh hoạt của các em những buổi chia sẻ về thần tượng, về giá trị sống để định hướng cho các em, giúp các em phân biệt đâu là sự hâm mộ, đâu là tình yêu, đâu là giới hạn của hâm mộ.

Có như vậy mới giúp các em biết phân biệt đúng sai, biết lường trước hậu quả chứ không thể hồn nhiên theo lời dẫn dụ của thần tượng rỏm: đến chung cư, đóng cửa, ngồi cạnh thần tượng đang đắp chăn trên giường, rồi nghe lời thần tượng “lên giường đắp chăn cho đỡ lạnh và tâm sự" để rồi rơi vào cái bẫy của thần tượng…

(Còn tiếp)