Hệ lụy từ nghề lặn
Nặng là tử vong, nhẹ thì tàn tật, nhiều trường hợp như vậy đã liên tiếp xảy ra đối với những lao động làm nghề lặn biển. Tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, một trong những địa phương có số ngư dân hành nghề lặn biển nhiều nhất tỉnh, hiện vẫn có đến hơn 30 trường hợp tàn phế sau tai nạn lặn biển.
Một trong số đó là anh Nguyễn Tấn Hiếu, 39 tuổi ngụ ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển. Giống nhiều thanh niên khác ở xứ biển, anh Hiếu đi biển từ năm 17 tuổi và nghề đầu tiên gắn bó là nghề lặn. Bởi theo anh Hiếu, nghề lặn là đơn giản nhất, không cần dụng cụ, ai ra khơi cũng được. Suốt nhiều năm gắn bó với nghề lặn, anh Hiếu thuộc từng ngóc ngách, rạn san hô ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng, tai họa bất chợt ập đến trong một chuyến đi Hoàng Sa, cách đây 7 năm.
Anh Nguyễn Tấn Hiếu dù thoát chết sau tai nạn lặn biển nhưng kinh tế gia đình lại rơi vào cảnh khánh kiệt, vô cùng khó khăn.
Bị kéo lên đột ngột khi đang lặn ở độ sâu hơn 30m, anh Hiếu bị tai biến, tay chân tê liệt. Về đến đất liền, anh được người nhà đưa đi cấp cứu, sau gần 2 tháng nhập viện, với chi phí hơn 300 triệu đồng, anh may mắn thoát chết. Nhưng di chứng để lại là đôi chân và tay của anh bị teo rút, co giật.
“Lúc đó tôi thấy như sụp đổ khi nghĩ về tương lai sắp tới ai sẽ nuôi con, lo cho gia đình. Nhưng rồi được vợ con động viên, tôi kiên trì uống thuốc, tập vật lý trị liệu suốt gần 1 năm, đôi chân bắt đầu đi chập chững lại được, tay cử động bình thường trở lại. Đến bây giờ, mỗi lần mưa gió trở trời, tay chân đau nhức chịu không được”- anh Hiếu chia sẻ.
Để có tiền trang trải cho gia đình, 2 năm nay, anh Hiếu dù sức khỏe ngày càng đi xuống, ngày nào cũng vác lưới tìm cá tôm ở những vùng biển gần. “So với đi lặn ở Hoàng Sa, Trường Sa thì nghề ven bờ thu nhập rất thấp. Có hôm may mắn kiếm được vài ba trăm ngàn, có hôm thì về tay không. Nhưng dù gì cũng phải cố gắng, nếu không tiền đâu đi chữa bệnh, nuôi con”.
Cũng may mắn giữ lại được mạng sống nhưng suốt cuộc đời còn lại, ngư dân Đặng Văn Tiến, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn phải chấp nhận di chuyển bằng xe lăn. Mọi sinh hoạt ông đều phải nhờ vợ là bà Nguyễn Thị Tăng lo liệu.
20 năm trước, trong một tai nạn do lặn tại vùng biển Hoàng Sa, ông Tiến không may bị ngạt và được đưa về đất liền cấp cứu. Tuy mạng sống được giữ nhưng toàn thân bị liệt và không thể đi lại được. Cuộc sống gia đình cũng từ đó rơi vào cảnh khó khăn và bế tắc.
Sau tai nạn cách đây 20 năm, ông Đặng Văn Tiến giờ phải phụ thuộc hoàn toàn vào vợ trong sinh hoạt hằng ngày vì không thể đi đứng được nữa.
“Giờ hai vợ chồng già chỉ biết nhờ vào trợ cấp của nhà nước. Chứ ổng như vậy thì tui đâu có làm gì được để kiếm tiền. Suốt ngày quanh quẩn lo ăn uống, vệ sinh cá nhân cho ổng, đã 9 năm nay rồi”- Bà Tăng rầu rĩ nói.
Thống kê ở Quảng Ngãi, mỗi năm có không dưới 10 trường hợp tai nạn do lặn biển chủ yếu là xảy đến với ngư dân Bình Châu và Lý Sơn. Chưa kể những trường hợp tử vong do tai nạn lặn biển, hiện có hơn 50 trường hợp may mắn thoát chết nhưng phải sống một cuộc đời tàn phế, khó khăn. Tai biến là hiện tượng rất dễ xảy ra đối với những lao động làm nghề lặn do bị giảm áp suất đột ngột. Tử vong, bị liệt do tai biến là những kết cục được cảnh báo từ trước.
Cần tăng cường hỗ trợ ngư dân lặn biển an toàn
Ngoài Bình Châu, Lý Sơn là địa phương có số ngư dân hành nghề lặn rất đông. Và tai nạn khi hành nghề là điều khó tránh khỏi. Trước năm 2010, mỗi năm có đến hàng chục trường hợp tai nạn do lặn được đưa đến Trung tâm Y tế dân quân y huyện Lý Sơn cấp cứu. Đó là chưa kể đến những vụ ngư dân tử vong ngoài biển vì bị ngạt nặng không cứu chữa được.
Bà Phạm Thị Hương- Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho hay: Mặc dù nghề lặn tại Lý Sơn đã được công nhận, song các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân khi xảy ra các tai nạn thì chưa có. Hiện nay, những trường hợp bị tai nạn do lặn địa phương chỉ trích từ nguồn dự phòng của huyện để thăm hỏi và hỗ trợ một phần nhỏ. Nhưng về lâu dài thì rất cần có chính sách để hỗ trợ chứ nguồn lực địa phương không đảm bảo.
Quảng Ngãi hiện có hơn 3 nghìn tàu đánh bắt khơi xa với hàng chục nghìn ngư dân cần được hỗ trợ, trang bị kiến thức và thiết bị y tế để hạn chế rủi ro trong nghề lặn biển.
Thực tế tại các vùng biển ở Quảng Ngãi, phương tiện, trang thiết bị cho lao động lặn biển là vô cùng thiếu thốn. Đây là nghịch lý kéo dài, đồng nghĩa với việc gia tăng những mối nguy từ nghề này. Đến thời điểm hiện tại, địa phương lẫn ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp triệt để nào nhằm ngăn chặn các tai nạn trong lặn biển. Mà chỉ có giải pháp hạn chế rủi ro cho ngư dân hành nghề lặn bằng cách hỗ trợ tủ thuốc cho các tàu cá đi khơi xa.
Bác sĩ Mai Hữu Hậu- Giám đốc Trung tâm quân dân y huyện Lý Sơn chia sẻ: Cách giảm thiểu tai nạn trong nghề lặn là tập huấn cho ngư dân cách lặn an toàn, cách sơ cấp cứu khi ngư dân bị tai nạn trên biển. Ngoài ra, trang bị bình oxy trên tàu để ngư dân xử lý nhanh tình huống giảm áp suất đột ngột khi lặn cũng cần được quan tâm.
Hiện Bộ y tế đã có Chương trình “Ngành y tế cùng ngư dân bám biển”, cấp tủ thuốc cho ngư dân, kịp thời cung cấp những trang thiết bị cấp cứu cho ngư dân bị tai nạn khi hành nghề trên biển. Tuy nhiên, với số lượng tàu hơn 5 nghìn chiếc của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển, trong đó có hơn 3 nghìn chiếc đi khơi xa, thì địa phương rất cần những nguồn lực xã hội để trang bị các thiết bị y tế cần thiết và đầy đủ hơn. |