Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn rất thiếu các chế tài cụ thể để xử lý vấn đề này.
Nhiều luật, nhưng chưa đủ
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), tại Việt Nam đang còn 1.153 điểm có thuốc BVTV. Các điểm này được phân theo mức độ ô nhiễm khác nhau: Ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, ô nhiễm nghiêm trọng và ô nhiễm. Thực tế, cũng đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hóa chất, Thông tư 38 của Bộ NNPTNT về quản lý thuốc BVTV…
Cần có những quy định hợp lý về việc thải bỏ bao bì đựng thuốc và thải bỏ thuốc BVTV quá hạn đối với người sử dụng. |
Song theo đánh giá của PGS - TS Vũ Thị Thu Hạnh (Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT) trong một nghiên cứu mang tên “Rà soát các văn bản pháp luật hiện hành về xử lý môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu”, hiện chúng ta vẫn thiếu các biện pháp chế tài phù hợp đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Đơn cử như trong Điều 31 của Thông tư số 38, có quy định trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV là không được sử dụng thuốc tùy tiện, không đúng kỹ thuật được khuyến cáo... Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có quy định riêng về xử lý các hành vi vi phạm trên của người sử dụng. Một hạn chế nữa là chưa có quy định hợp lý về việc thải bỏ bao bì đựng thuốc và thải bỏ thuốc BVTV quá hạn sử dụng đối với người sử dụng.
Bà Hạnh cũng cho rằng: “Chúng ta đang thiếu các quy định về kinh phí cho việc ngăn ngừa nguy cơ làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường tại các địa điểm tồn lưu hóa chất BVTV. Ngoài ra, cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn các địa phương xử lý các điểm tồn lưu thuốc BVTV, trong khi kinh phí sử dụng cho việc này là rất lớn”.
Nghiên cứu của bà Hạnh cũng chỉ rõ, hiện đang có sự không thống nhất trong việc phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV tồn lưu. Cụ thể, chúng ta chưa xác định được Bộ TNMT hay Bộ NNPTNT sẽ là cơ quan chủ trì xây dựng và ban hành các quy định về xử lý hóa chất BVTV tồn lưu.
Cần ban hành Thông tư hướng dẫn
Từ những hạn chế trên, theo bà Hạnh, chúng ta cần thống nhất quan điểm pháp lý về xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn lưu thuốc BVTV. Theo phân tích của bà Hạnh, việc ban hành các văn bản pháp luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc triển khai xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn lưu thuốc BVTV trên phạm vi cả nước.
Để thực hiện được điều đó, vấn đề đặt ra là chúng ta cần xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn xử lý ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV tồn lưu. Thông tư này cần quy định một số vấn đề cụ thể như: Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các cơ quan nhà nước trong việc xử lý ô nhiễm môi trường; Quy trình kiểm soát và xử lý các điểm tồn lưu, xác định mức độ ô nhiễm, cách thức kiểm soát và ngăn ngừa nguy cơ gia tăng mức độ ô nhiễm, xử lý ô nhiễm từ các điểm tồn lưu thuốc BVTV… Đặc biệt, cần xác định được nguồn kinh phí để xử lý vấn đề này.
Hải Hà