Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đưa ra dự báo như thế bên lề hội nghị lần thứ 24 của Tổ chức Y tế thế giới (OIE) về bệnh LMLM tổ chức tại TP.HCM ngày 28.11
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng công tác phòng chống bệnh LMLM sẽ có nhiều khả quan. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cuộc họp là một sự kiện quan trọng vì được tổ chức vào giai đoạn 5 của chiến dịch kiểm soát dịch bệnh LMLM ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc (SEACFMD) đến năm 2020. Đây là một cơ hội để OIE và các nước thành viên xem xét tiến độ lộ trình SEACFMD và xây dựng các khuyến nghị để hoàn thành mục tiêu.
Hội nghị lần thứ 24 của tiểu bang phòng chống bệnh LMLM khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Mông Cổ diễn ra từ ngày 28 - 30.11. Cuộc họp sẽ cập nhật thông tin về tình hình LMLM toàn cầu và khu vực mới nhất cũng như các nghiên cứu và hoạt động của các nhà sản xuất vaccine.
Các giai đoạn của lộ trình kiểm soát bệnh LMLM với hiệu quả tăng dần.
Tại Việt Nam, bệnh LMLM đã xuất hiện trên 100 năm qua và đôi khi vẫn gây ra những đợt dịch trầm trọng, làm tổn thất lớn về kinh tế của người chăn nuôi, ngân sách nhà nước cũng như ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chăn nuôi, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine type O, sắp tới sẽ có type A và các chủng vaccine đa giá khác. Trước đó, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 25 triệu liều vaccin.
Muốn nhập về phải đặt hàng trước nhiều tháng, giá nhập cao. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết khi trong nước sản xuất được thì giá thành sẽ giảm 20%, chủ động hơn trong khâu đáp ứng miễn dịch, góp phần giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Một con bò sữa mang thai 3 tháng bị mắc bệnh LMLM nằm bất động khi 4 bàn chân đã viêm nhiễm nặng nề. Ảnh Trần Đáng
Tuy nhiên, quá trình sản xuất vaccine rất công phu, tổng cộng 9 bước. Hiện trong nước đã có dây chuyền sản xuất. Bộ NNPTNT đang vận động các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành dây chuyền. Ông Tiến dự đoán khoảng 2 năm nữa Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu trong nước trước áp lực cao của bệnh LMLM. Việc phòng chống dịch LMLM sẽ sớm đạt kết quả tốt hơn.
“Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi; đảm bảo nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe ở các thị trường khó tính trên thế giới”, ông Tiến nhấn mạnh.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng cho biết rất cần OIE hỗ trợ để cập nhật, xem xét vùng an toàn với bệnh LMLM, vốn là điều kiện quan trọng để xuất khẩu. Trong nước, Bộ NNPTNT cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ để nâng cao năng lực đội ngũ thú y, cho đến cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Công tác bao vây, dập dịch được triển khai tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, OIE đã xếp bệnh LMLM đứng đầu trong 120 bệnh cảnh báo toàn cầu của gia súc gia cầm. Việt Nam cần có thời gian và hệ thống kiểm soát thật tốt căn bệnh này.
Hiện Cục Thú y đang xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống bệnh LMLM để trình OIE xem xét công nhận, Cục Thú y cũng đề nghị OIE tổ chức hỗ trợ để Việt Nam thực hiện kế hoạch trên toàn quốc. “Đồng thời huy động cả hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương, địa phương đến người chăn nuôi để tổ chức phòng trừ dịch”, ông Đông nói.
Ông Ronello Abila - Trưởng Văn phòng OIE tại các nước Đông Nam Á cho biết cuộc họp sẽ tổ chức thảo luận các tiêu chuẩn mới của OIE về việc kiểm soát, đánh giá bệnh LMLM dựa trên kết quả nghiên cứu trên toàn cầu.
OIE khuyến cáo các nước trong khu vực cần sự điều phối chung và vai trò tham gia tích cực từ mỗi nước vì bệnh có thể lây truyên xuyên biến giới. Ảnh: Nguyên Vỹ
Với các biện pháp mà OIE đưa ra, các nước trong khu vực cần sự điều phối chung và vai trò tham gia tích cực từ mỗi nước vì bệnh có thể lây truyền xuyên biên giới. OIE hi vọng những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và phòng trừ của các nước thành viên sẽ giúp Việt Nam tìm thấy biện pháp phù hợp áp dụng cho mình.
Cục Thú y nhận định nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao. Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM; kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch. |