Những tác phẩm trong hai cuốn sách được chọn từ hai chuyên mục hằng tuần là Truyện ngắn và Tản văn “Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” của báo Thời Nay, ấn phẩm của Báo Nhân Dân với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, tác giả…
Hai cuốn sách là cuộc gặp gỡ thú vị, phong phú của nhiều tác giả đã và đang ghi tên mình trên văn đàn. Đặc biệt, nhiều cái tên trong sách cũng là những gương mặt đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc năm 2011 và 2016.
Trong đó, “Giấc mơ trên những cánh rừng” có sự góp mặt của 39 tác giả với 39 truyện ngắn. Cuốn sách truyền tải tình cảm mến thương gia đình, dòng tộc, cộng đồng, quê hương, đất nước; thể hiện cái nhìn nhân văn trước thực tế xã hội, thiên nhiên; truyền tải những dáng nét văn hóa từ nhiều vùng đất…
Với “Cây bàng lá đỏ”, tác giả Phạm Thanh Thúy đã dẫn dắt hợp lý giúp người đọc thâm nhập vào đời sống của một cô gái trẻ làm ở ga xép cũ kĩ, tháng ngày làm bạn với cây bàng kiên nhẫn đứng trên sân ga như là một chứng nhân cho những cuộc đưa tiễn. Cuộc sống đơn điệu, nhàm tẻ ấy đã thay đổi khi một ngày kia cô gặp được chàng trai giúp cô ấm lại trái tim băng giá.
Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Chu Lai cho biết, chẳng lên gân, không gồng sức, chẳng làm ra vẻ văn chương cũng không cố tạo mùi triết lý vân vi này nọ. Nhưng kỳ lạ làm sao, cái triết lí, cái chất văn nó vẫn cứ bồi hồi nổi lên, nhen nhóm ẩn nhoà vào từng con chữ, từng hàng chữ làm cho ý tưởng câu chuyện bật nảy, bay lên, toả xuống khiến cho người đọc buộc phải chú tâm, ngẫm ngợi rồi giật mình bởi sự lôi cuốn bình dị, hơi phá cách, tiết tấu nhanh, không vòng quanh kiểu húp cháo mà gợi mở, công phá thẳng vào những vấn đề mà tác giả cần nói đến. Truyện mang đậm tính cộng hưởng trong chuyện có tôi, trong tôi có chuyện, hai mà một, một mà hai. Vậy chính là cuộc đời và vậy cũng chính là văn chương.
Còn với tập tản văn “Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” quy tụ 55 tác giả với 98 tản văn. Đó là những lát cắt nhỏ trên những nẻo đường, nơi những miền đất, với những con người trên mọi miền đất nước. Là những phản chiếu để lại ấn tượng đẹp của niềm vui, nỗi buồn, lòng thương mến và trân quý trước muôn màu cuộc sống, được thể hiện qua những cảnh quan, tập quán, ngôn ngữ, món ăn, kỷ vật, kỷ niệm tuổi trẻ, tuổi ấu thơ, những ứng xử và tâm sự đời thường, dung dị mà lay động.