Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc muốn nói nhiều hơn về những mặt hạn chế “để chúng ta biết và khắc phục trong thời gian tới”.
Sản xuất rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại VinEco. Ảnh: I.T
Theo Thủ tướng, đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp; số dân làm nông nghiệp còn khá cao; doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiểm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Việc huy động vốn, tiếp cận với các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao. Khoảng 1/2 số hộ gia đình nông thôn vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và đây là nguyên nhân tình trạng tín dụng đen xuất hiện nhiều ở nông thôn. Việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp còn yếu, công nghệ lạc hậu, 90% hàng nông sản là xuất nguyên liệu thô.
Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực, tuy nhiên chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và thực hiện sản xuất lớn, khiến quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á; hình thức canh tác quy mô nhỏ, manh mún và phân tán...
Từ phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề tam nông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. “Chúng ta đang nói tập trung làm nông nghiệp, nông thôn mà nông dân chúng ta vẫn ỷ lại thì không bao giờ thành công được”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, cần khắc phục tinh thần tự ti, ỷ lại, chờ đợi của một bộ phận nông dân. Thời gian tới, Đảng, Nhà nước phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn. Cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.