Dân Việt

Địa chỉ xanh- Nông sản sạch: Ninh Bình nở rộ mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Hải Đăng 02/12/2018 07:30 GMT+7
Cùng với việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ trọng giá trị từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt từ 10% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỉnh Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp hỗ trợ giúp tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

Năm 2003, gia đình ông Đinh Sỹ Chung (xã Yên Sơn, TP.Tam Điệp) thuê 3ha đất để xây dựng chuồng trại nuôi gà đẻ trứng với quy mô ban đầu là 5.000 con. Những năm đầu, trứng gà của trang trại không đáp ứng kịp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Nhận thấy đây là lĩnh vực tiềm năng, năm 2011, ông Chung đã thành lập Công ty chăn nuôi Quang Trung để tăng quy mô sản xuất, đồng thời xây dựng thương hiệu.

img

Việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gà đẻ trứng đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số nơi của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Đăng

"Để phát huy tốt hơn vai trò của mình trong tiêu thụ nông sản, sản phẩm nông nghiệp CNC, chúng tôi cần có các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể”.

Ông Vũ Văn Cung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh
 

Để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, ông Chung tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở trong và ngoài tỉnh. Sau thời gian nỗ lực tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, “Trứng gà Quang Trung” không chỉ cung cấp cho thị trường miền Bắc, một số tỉnh miền Trung mà còn là đối tác chính của các hãng sản xuất bánh kẹo lớn như: Công ty CP bánh kẹo Tràng An, Hữu Nghị, Hải Hà, Đại Thắng... với sản lượng từ 18-20 triệu quả/năm, doanh thu ước đạt 40-45 tỷ đồng/năm.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Chung cho rằng: "Muốn sản xuất lớn, khó khăn không phải là công nghệ hay vốn đầu tư mà chính là đầu ra cho sản phẩm. Từ khi hợp tác với các công ty bánh kẹo lớn, với lượng hàng ổn định, doanh nghiệp đã chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh và yên tâm mở rộng quy mô chuồng trại".

Trong khi số lượng doanh nghiệp có thể bao tiêu sản phẩm cho người dân còn hạn chế, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, hiện toàn tỉnh có khoảng 250 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2016, 2017, Liên minh HTX đã có 48 đề án được hỗ trợ thực hiện để kết nối cung cầu hàng hóa và hội chợ hàng công nghiệp - nông thôn, phối hợp tổ chức 4 hội nghị liên kết HTX với doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp; xây dựng 8 cửa hàng trưng bày giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thành viên.

Ông Vũ Văn Cung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: "Để phát huy tốt hơn vai trò của mình trong tiêu thụ nông sản, sản phẩm nông nghiệp CNC, chúng tôi cần có các chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế tập thể tỉnh, trong đó chú trọng đến việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX. Nhất là việc hỗ trợ đơn vị thành viên tìm kiếm thị trường, kêu gọi các nhà đầu tư, tham gia liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm".

Cần một “cú huých” mạnh

Với chủ trương không để người sản xuất đơn độc trong hành trình tiến đến sản xuất nông nghiệp hiện đại, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có Nghị quyết 22/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020.

Ông Hoàng Trọng Lễ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình cho biết, trước mắt, Sở đã phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân về chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm. Với các sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu, Sở tiếp tục triển khai các giải pháp để duy trì và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của địa phương.

Để  đồng bộ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp,  theo ông Lễ, vẫn cần một “cú huých” mạnh: "Ở đây, một trong những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa “cú huých” đó là lấy doanh nghiệp cùng người nông dân làm trung tâm và đi vào sản xuất nông nghiệp CNC. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng CNC phù hợp với thế mạnh từng vùng".