Khó khăn trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Thời gian qua, tại ĐBSCL, nhiều tỉnh đang nỗ lực thực hiện quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tại Cà Mau, để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ cảnh báo của EC về IUU, tỉnh đã dốc toàn lực chỉ đạo, triển khai các kế hoạch tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được xem là một trong những giải pháp hiệu quả.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, lộ trình lắp đặt thiết bị cho tàu cá có chiều dài trên 15m chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 hoàn thành trước ngày 01.11.2018 đối với nhóm tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài được chuộc về, đã chấp hành xong án và hiện đang hoạt động khai thác hải sản; nhóm tàu cá chưa vi phạm vùng biển nước ngoài mà thuộc quyền sở hữu của chủ tàu đã có vi phạm vùng biển nước ngoài; nhóm tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67 của Chính phủ. Giai đoạn 2: Hoàn thành vào tháng 12.2018 đối với các tàu cá còn lại.
Cà Mau có tổng số tàu cá cần lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là hơn 1.500, những tàu không lắp đặt thiết bị theo quy định, sẽ không được ra khơi đánh bắt thủy sản. Ảnh: Chúc Ly.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Thiệt (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), cho rằng: “Sản lượng thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi đó lượng tàu cá quá đông, nếu không vươn khơi đánh bắt sẽ khó có thu nhập cao. Khi ngư dân trang bị được tàu lớn sẽ mang lại nhiều lợi ích, vừa an toàn. Khi có tàu lớn, năng suất đánh bắt cao hơn tàu nhỏ thì việc lắp thiết bị giám sát hành trình theo tôi là không khó, ngư dân sẽ đồng tình cao”.
“Có thiết bị giám sát càng lợi hơn khi có thể thông qua thiết bị này để liên lạc trực tiếp, chỉ đạo cho ngư phủ đánh bắt. Ngoài ra, còn cập nhật mọi thông tin về thời tiết, thị trường... Tuy nhiên, đối với các phương tiện hoạt động gần bờ, đi về trong ngày hay các tàu làm nghề đáy hàng khơi và hoạt động theo từng mùa, thu nhập bấp bênh, thì trở ngại chính là chi phí lắp đặt thiết bị” - ông Thiệt nếu ý kiến.
Ông Đỗ Chí Sĩ - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, thông tin: Tỉnh đã triển khai lắp đặt giám sát hành trình trên tàu cá, tính đến thời điểm này đã lắp được cho khoảng 100 tàu cá thuộc trường hợp bắt buộc lắp.
“Mục đích trước mắt là giám sát hành trình khi các tàu này hoạt động trên biển, nhằm cảnh báo và xử lý nếu họ có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài. Về lâu dài, đây cũng là một trong những biện pháp để ngành chức năng quản lý các tàu khi hoạt động trên biển về vùng khai thác, nghề khai thác, đối tượng khai thác; cũng như là mùa vụ và kết hợp công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất trên biển. Đặc biệt, là hạn chế rủi ro về tài sản, tính mạng trong tình hình diễn biến thời tiết bất thường, phức tạp” - ông Sĩ nhận định.
Về kinh phí, theo ông Sĩ một số chủ tàu còn khó khăn khi mua thiết bị này, một số tàu hoạt động khu vực ven bờ, khả năng khai thác vùng biển nước ngoài ít, nhưng buộc phải lắp đặt thiệt bị theo quy định mới về chiều dài tàu cũng gây một số khó khăn.
Kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá hoạt động gần bờ là vấn đề khó khăn. Ảnh: CTV.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, hiện nay tỉnh đang triển khai thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá theo quy định, có nhiều đơn vị tiếp cận để cung cấp thiết bị. Về xu hướng tới là bắt buộc phải thực hiện, tuy nhiên về giá cả thì hiện vẫn do các doanh nghiệp quyết định, nên chỉ mới thí điểm chứ chưa thể thực hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng đang tuyên truyền quyết liệt trong dân để thực hiện trong thời gian tới.
Theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tính theo kích thước này thì số tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát là không nhỏ, chi phí lắp đặt chính là rào cản lớn của nhiều ngư dân.
Mức phạt cao là cần thiết
Bên cạnh nội dung về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá từ 15m trở lên, nội dung về mức phạt hành vi vi phạm về đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài, trong đó mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng, tổ chức lên đến 2 tỷ đồng, cũng được người dân rất quan tâm.
Ông Lê Văn Dúng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), cho biết: “Gia đình đã có gần 20 năm theo nghề biển, tàu cá của gia đình có công suất trên 90 CV, thông thường mỗi chuyến đi khoảng 1 tuần, sản lượng khai thác trung bình đạt từ 70-100 triệu đồng/chuyến. Mức phạt tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân khi khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài tuy rất cao, nhưng theo tôi là dân cũng sẽ đồng tình. Trong quá trình khai thác thủy sản mình lưu ý không vi phạm, khai thác trong khu vực được cho phép thì không có gì phải lo”.
Người dân huyện Phú Tân, Cà Mau phơi cá sau khi đánh bắt. Ảnh: Chúc Ly.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hoàng Giang - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Mức phạt tăng cao như quy định mới là hợp lý, nếu phạt như lâu nay thì khó có hiệu quả, quan trọng là phải triển khai cho người dân hiểu. Hiện các huyện đã chủ động thực hiện tuyên truyền luật thủy sản 2017, mời các chuyên gia đến triển khai trực tiếp cho ngư dân. Luật Thủy sản 2017 với những nội dung mới cũng là cơ hội để ngành thủy sản nỗ lực gỡ “thẻ vàng”.
Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 15/KH-UBND ngày 27.2.2018 thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cơ quan quản lý cảng, chủ tàu khai thác thủy sản, ngư dân, doanh nghiệp thu mua, công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản thực hiện các quy định của EC về IUU.
Còn theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, về công tác thanh tra chuyên ngành thủy sản để quản lý hoạt động của các tàu cá đối với các khu vực vùng khơi thì điều kiện về tàu, con người và chế độ chính sách chưa đáp ứng được. Hiện tại tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan cảnh sát biển, hải quân và các lực lượng khác hỗ trợ cho các địa phương để kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tại Kiên Giang, tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác hải sản, là tỉnh điểm thực hiện Luật Thủy sản 2017. Theo đó, Kiên Giang đã tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủy sản năm 2017, các giải pháp về chống khai thác IUU, 100% chủ tàu và thuyền trưởng khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL, để đảm bảo đưa Luật Thủy sản 2017 vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đến người dân; cần xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, nhiều địa phương tại ĐBSCL kiến nghị Bộ NNPTNT cần hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định; quy hoạch vùng đánh bắt, trong đó có xác định trữ lượng, sản lượng khai thác; quy hoạch ngành nghề đánh bắt theo hướng thân thiện với môi trường; kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; tập huấn khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng và quản lý chất lượng sau đánh bắt… |