Chuyến tàu mang hơi ấm quân dân
Hệ thống 15 nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam nước ta là công trình độc nhất vô nhị trên thế giới, được ví như những cột mốc thép bởi tất cả những ngôi nhà này được xây dựng 100% bằng thép để những người lính đứng chân bảo vệ vùng biển. Ở nơi xa xôi, khắc nghiệt nhất ấy, mùa xuân vẫn về và tết vẫn đẹp vì có sự quan tâm đặc biệt của đất liền.
Gói bánh chưng đón Tết Quý Tỵ ở nhà giàn DK1- 15. |
Trước lúc con tàu HQ 624 rời cảng tại Hải đội 881 phường 11, thành phố Vũng Tàu, đại tá Trương Công Thế - Phó Chính ủy Vùng B Hải quân, nắm chặt tay chúng tôi nói: "Đây là những chuyến tàu mang tình cảm, vật chất động viên những cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở cột mốc thép, để anh em đón tết một cách đầy đủ nhất".
Trong đoàn công tác này, có những người mẹ, người chị đã vượt sóng gió để ra với những người con, người em đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn. Đây là những món quà về mặt tinh thần không gì có thể thay thế được, mang sự ấm cúng của đất liền ra với biển xa.
Chị Nguyễn Thị Bé Hai- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, đi trong đoàn dân chính Đảng của hai tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu cho biết, lần đầu vượt muôn trùng sóng, chị rất sợ… say. Nhưng nghĩ tới việc gặp con, động viên con hoàn thành nhiệm vụ, chị quên cả sợ.
Sau 40 giờ đồng hồ, vượt qua muôn vàn rặng sóng biển bạc đầu cấp 6 cấp 7, cao 3m tới trên quãng đường 250 hải lý, tàu HQ 624 cũng đưa được đoàn công tác đến cụm nhà Phúc Tần. Trong cảnh mênh mông của biển trời, nhà giàn DK1-17 hiện ra sừng sững, vững chãi như một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo nước ta giữa trùng khơi.
Tàu thả neo xong, như thông lệ, những người lính Hải quân làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển- những người đã nhường phần sống của mình cho đồng đội để mãi mãi nằm lại biển khơi.
Bắc ống nhòm nhìn từng loạt sóng đang đua nhau tìm chân nhà giàn mà đổ, đại tá Tô Văn Thư - Phó Tham mưu trưởng Vùng B Hải quân, Trưởng đoàn công tác, cho biết: "Sóng to, nhưng mình ra đến đây rồi thì phải cố lên với anh em một chút. Anh em đợi tàu, đợi đoàn lâu lắm rồi, đừng để anh em đợi thêm".
Lệnh hạ xuồng được đưa ra. Những người thủy thủ tàu HQ624 ai đều vào việc đấy, nhanh thoăn thoắt thực hiện nhiệm vụ của mình. Những món quà từ chè, mứt, bánh kẹo, bia, nước ngọt, lịch để bàn, gạo nếp, đỗ xanh, rồi giấy trang trí ... được kiểm đếm cẩn thận, rồi nhanh chóng được đưa xuống xuồng.
Đại tá Tô Văn Thư nhảy xuống xuồng công tác trong tiếng chém kịch kịch, khô khốc. Anh đi một mình, bởi khó có ai có đủ kinh nghiệm nhảy xuồng như anh mà không bị kẹp chân tay, làm mồi cho cá.
Sau gần 2 giờ đồng hồ vào nhà giàn chúc tết, đại tá Tô Văn Thư trở về tàu. Anh bước lên, người ướt như chuột lột nói: "Anh em muốn được các chị em lên thăm lắm, nhưng sóng gió quá nên sợ mất an toàn nên phải nhờ chị em chúc tết qua bộ đàm mấy câu để thêm ấm lòng người chiến sĩ".
Đón tết trên nhà giàn
Sau 3 nhà giàn, cả đoàn công tác bó tay không lên nổi vì sóng gió, hàng tết đều phải chuyển qua dây và chúc tết qua tiếng loa. Đến nhà giàn DK1- 18, chúng tôi mới được vào nhà giàn với một màn đu dây ấn tượng. Tất cả chúng tôi được cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1- 18 kéo từ tàu lên nhà giàn bằng một sợi dây chão to dưới sự chỉ huy của đại úy Trần Đăng Hùng.
Sau màn chào hỏi làm quen với chúng tôi, anh Hùng cho biết: "Tết ở nhà giàn tuy không đủ đầy như ở quê, nhưng về tình cảm thì nồng ấm lắm". Dắt chúng tôi xuống thăm chuồng lợn, phải lật mấy lần tấm chắn ra, chúng tôi mới nhìn thấy chú lợn khoảng 60kg, anh Hùng nói đây là thành quả chăm sóc của anh em nửa năm trời.
"Sống trên nhà giàn vô cùng khắc nghiệt. Lợn ra đây muốn sống được phải chăm kỹ lắm, phải chắn gió chắn sóng, và tắm nước ngọt mỗi ngày, nếu không nó lăn ra chết là anh em mất tết"- anh cười vui.
Chú lợn béo khỏe này giúp cho chiến sĩ nhà giàn DK1-18 sẽ có thịt tươi ăn tết. Anh Hùng dự kiến tới 28 tết mổ lợn. Có lợn tươi là có lòng lợn tiết canh tất niên, gói giò nạc, giò bì, áp chảo đủ các món cả.
Đã ăn nhiều cái tết ở nhà giàn, anh Hùng so sánh bây giờ nhà giàn có tủ lạnh nên thức ăn luôn có đủ; nhà giàn có điện thoại và điện thắp sáng nên việc liên lạc với gia đình cũng thông suốt chứ không như ngày xưa. Cán bộ chiến sĩ cũng được an ủi phần nào.
Ngoài ăn tết, anh em nhà giàn cũng thi làm thơ, thi đánh cờ, đặc biệt là thi câu cá, phần thưởng cho anh em cũng chỉ là những món quà nhỏ nhưng ai cũng hào hứng lắm. Tết nhà giàn vui nhưng anh em vẫn phải trực sẵn sàng chiến đấu. Có những cái tết mở mắt ra đã thấy tàu lạ xuất hiện, thế là có khi xua được tàu lạ đi thì đã hết mất 3 ngày tết mất rồi.
Trước khi chia tay, anh Hùng nói với chúng tôi: "Các quê (cách gọi âu yếm của chiến sĩ với khách từ đất liền ra thăm) yên tâm đi, chúng tôi còn thì nhà giàn còn, với bản lĩnh của tiểu đoàn DK1 không bao giờ rời vị trí chiến đấu bất kể trong hoàn cảnh nào".
Buổi cuối cùng của hành trình chúng tôi được lên nhà giàn 15. Đây được coi là "kinh đô của các nhà giàn", vì có diện tích gần 2.000m2. Nhà ở của cán bộ chiến sĩ đẹp như khách sạn 3 sao.
Chỉ huy trưởng nhà giàn Trần Văn Thương vừa cho anh em gói bánh chưng vừa nói: "Với nhà giàn, hôm nay có khách là tết rồi, vì chúng tôi may mắn đón được khách trong thời tiết sóng gió này".
Bữa cơm tất niên tại nhà giàn có món cá cơm chiên đặc sản của nhà giàn, có gà tươi và rau xanh đặc sản. Cầm ly rượu trên tay, anh Thương xúc động nói: "Cảm ơn đất liền đã mang hơi ấm đến nhà giàn. Chúng tôi xin hứa, ngoài chiến đấu giỏi thì cũng tăng cường tăng gia, tạo môi trường đoàn kết để anh em càng yêu và gắn bó với nhà giàn hơn".
Nguyễn Gia Tưởng