Dân Việt

Sắc xuân Quán Hương

15/02/2013 06:12 GMT+7
(Dân Việt) - Nằm ven Quốc lộ 1A, làng Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) hàng trăm năm qua nổi tiếng với nghề làm hương thủ công truyền thống.

Những ngày giáp Tết về Quán Hương, trên con đường vào làng đâu đâu cũng bắt gặp sắc màu rực rỡ của muôn ngàn bó hương được người dân hối hả mang phơi sau những cơn mưa phùn cuối đông để kịp đón mùa xuân mới.

Nằm ven Quốc lộ 1A, làng Quán Hương hàng trăm năm qua nổi tiếng với nghề làm hương thủ công truyền thống. Trải qua những thăng trầm lịch sử, bao thế hệ người dân nơi đây vẫn gắn bó, phát triển nghề.

Hiện làng nghề có khoảng 40 hộ, với 100 khẩu làm hương chuyên nghiệp. Sản phẩm chủ yếu là hương trầm, hương quế, hương bổi, hương vòng... Nguyên liệu làm hương của làng bao gồm bột quế, bột keo, bột cưa, giác trầm, nước thơm… Tuy nhiên, với các bí quyết pha trộn khác nhau, mỗi loại hương đều mang những mùi thơm đặc trưng, khó lẫn lộn với hương của các làng nghề khác, nên được thị trường ưa chuộng.

img
Một mẻ hương vừa làm xong được phơi cho khô.

Anh Lê Văn Anh - người có 20 năm làm nghề cho biết: "Nghề chỉ rộ 4 tháng trước và sau tết. Thời gian còn lại, làng vẫn làm nhưng số lượng không nhiều. Mặt hàng hương không sợ ế ẩm vì ai cũng phải dùng, dù là người giàu hay người nghèo. Làm hương là một công việc nhẹ nhàng ai cũng có thể làm được và mang tính chất gia đình. Người lớn thì nhồi bột, nhúng hương, trẻ em, người già thì xe hương và gói hương...".

Theo UBND thị trấn Hà Lam, mỗi năm làng Quán Hương cung ứng ra thị trường hơn 50.000 muôn (tiếng địa phương, có nghĩa là mười vạn cây) hương, doanh thu khoảng 7,5 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ ngoài Quảng Nam, còn có nhiều tỉnh miền Trung, từ Huế vào Phú Yên và lên Tây Nguyên. Nhiều hộ gia đình tại Quán Hương có thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án khôi phục làng nghề truyền thống sản xuất hương thị trấn Hà Lam với kinh phí 6 tỷ đồng, trong đó có hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất hương vòng Hà Tây cho làng nghề, xây dựng khu trưng bày sản phẩm và cơ sở sản xuất tập trung, khu nhà xưởng, hệ thống cấp thoát nước và hệ thống xử lý môi trường, thiết bị chẻ tre làm chu hương, máy xay bột, bàn xe, giàn phơi, thiết bị sấy…