Cuối năm, tiếp tục có thông tin lao động nghề này cũng có cơ hội đi làm việc ở Đức, với mức lương cao không kém.
Nếu mô hình XKLĐ này thành công, Việt Nam sẽ có một lớp lao động điều dưỡng viên có tay nghề ở tầm quốc tế. Điều có ý nghĩa hơn cả là mô hình này sẽ mở ra triển vọng đưa lao động đi làm việc các ngành nghề khác ở các nước phát triển hiệu quả và an toàn.
Ông Lê Văn Thanh thăm hỏi quá trình học tập của học viên tại Trường Arc Academy. |
Phía sau bàn đàm phán
Đây là hướng tiếp cận mới của Bộ LĐTBXH và thực tế để có những thông báo tuyển dụng thì trước đó là những cuộc đàm phán cấp cao "như con thoi".
Ông Lê Văn Thanh- Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, cả Nhật Bản và Đức đều không đặt phương án tuyển lao động Việt Nam (VN) đi làm việc trong lĩnh vực ngành nghề y tá, hộ lý nhưng khi phía VN chứng minh được nguồn lao động tiềm năng, đặt vấn đề, đưa ra những giải pháp khả thi mang lại lợi ích cho cả 2 phía, cuối cùng đàm phán đã thành công.
Tuy nhiên, sau sự thành công này là cả một hành trình dài - mà trước hết là đào tạo lao động. Trường Cao đẳng Nghề công nghệ- kỹ thuật LOD (Hưng Yên) - là nơi duy nhất đặt "đại bản doanh" của Trường Arc Academy- đơn vị đào tạo do phía Nhật Bản chỉ định dạy tiếng Nhật cho lao động đi làm y tá, hộ lý.
Có mặt tại đây những ngày cuối năm 2012, PV Dân Việt cảm nhận được ý chí gần như sắt đá của những thanh niên xác định tham gia "cuộc chơi lớn" này.
Sau đợt tuyển chọn hồ sơ tháng 10.2012, đã có 150 lao động có trình độ ĐH, CĐ ngành điều dưỡng trúng tuyển và tập trung học tại đây.
Đinh Định (23 tuổi, ở xã Thạnh Tây, Hoài Nhơn, Bình Định) đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật y tế 2 cho biết: “Trong thời gian đi học tại trường, em có tham gia học tiếng Nhật và được sang Nhật thực hành nghiệp vụ. Khi chương trình đăng tuyển y tá, hộ lý, em còn đang ở Nhật, và may mắn kịp về nước đăng ký dự tuyển chỉ 1 ngày trước khi hết hạn”.
Định là 1 trong 3 người trong toàn khóa có trình độ tiếng Nhật tương đương N3- nghĩa là đã có thể giao tiếp tiếng Nhật tốt, nhưng theo quy định bắt buộc của chương trình, em vẫn phải lên lớp học 8 giờ/ngày, buổi tối ôn bài thêm ở ký túc xá.
Định chia sẻ: "Học ở đây chúng em được rèn từ những chi tiết nhỏ trong lối sống. Việc học hành thì cực kỳ thực chất: học lấy kiến thức cho mình, có kiến thức để giao tiếp, làm nghề. Tất cả đều phải tự lực cánh sinh".
Nguyễn Thị Liên - điều dưỡng viên Bệnh viện T.Ư Huế thì không thuận lợi như Định, em mới bắt đầu học tiếng Nhật, và mục tiêu trong vòng 1 năm phải có được chứng chỉ N3. Vì vậy việc học của em vất vả hơn nhiều.
Liên chia sẻ: "Thái độ học tập ở đây khác hẳn, rất quy củ, đúng giờ. Giáo viên dạy cực kỳ nhiệt tình và tạo mọi điều kiện cho bọn em thực hành tiếng Nhật, các quy định làm việc của Nhật Bản… Em xác định phải có ngoại ngữ tốt để làm việc, học kiến thức từ nước bạn".
Học với kỷ luật thép
Ông Lê Văn Thanh chia sẻ thêm, chương trình tuyển lao động y tá, hộ lý đã được Nhật Bản triển khai ở Indonesia, Philippines nhưng không mấy thành công do chỉ xét hồ sơ nghề, sau đó mới đào tạo tiếng Nhật nên tỷ lệ lao động 2 nước nói trên sang Nhật Bản thực tập, thi chứng chỉ bị rớt khá nhiều.
Rút kinh nghiệm từ nước bạn, VN đàm phán để tổ chức đào tạo 1 năm tiếng Nhật tại VN. Để đảm bảo thành công, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trường Arc Academy, Trường Cao đẳng LOD triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
Nếu không hiểu quyết tâm này, có lẽ tôi cũng bất ngờ khi đọc các quy định về kỷ luật lớp học cho 150 lao động. 10 phòng học được tổ chức trong khu riêng biệt ở Trường Cao đẳng LOD- nơi mà học sinh trường nghề của chính LOD cũng không được lai vãng.
Học viên muốn nghỉ (lý do cá nhân) thì phải xin phép quản lớp, nhà trường, thậm chí phải nhờ can thiệp cả của Cục Quản lý lao động ngoài nước- mới được nghỉ học. Và việc cho thôi học bất cứ học viên nào sẽ phải có ý kiến của cả Đại sứ quán Nhật Bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước và đơn vị đào tạo.
Hiện, theo ông Thanh, 100% học viên chương trình có bằng ĐH, CĐ điều dưỡng, các em chỉ tập trung học tiếng Nhật (vì tới 80% chưa biết tiếng Nhật). Trong quy định chung, học viên phải học 8 giờ/ngày và không được trọ ở ngoài (trừ trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, học viên phải tuân thủ các quy định vệ sinh, ứng xử, từ việc nhỏ nhất như cấm nhổ nước bọt ngoài hành lang…
PV Dân Việt được dự giờ 3 lớp học và nhận thấy thái độ học tập của học viên VN cực kỳ nghiêm túc. Giảng viên lên lớp đều là người Nhật (11 người) có trợ giảng người Việt (7 người), lớp học được phân chia theo từng trình độ, khả năng tiếp thu và thường xuyên có các bài kiểm tra trình độ để theo dõi sự tiến bộ của từng học viên.
Ông Ichikawa- phụ trách dự án đào tạo tại VN cho biết, trường còn tổ chức các buổi tư vấn riêng cho học viên về cách học, tổ chức khảo sát thường xuyên về chất lượng giảng dạy và thái độ học tập của từng em. Học viên ở đây được trang bị 100% sách vở từ Nhật Bản, nghe nhìn và học trên những thiết bị hiện đại nhất.
Và điều bất ngờ hơn nữa là các em đi học đều có… lương với mức 8,4USD/ngày (tương đương 170.000 đồng/ngày). Các học viên như Đinh Định, Liên vừa lĩnh 5,4 triệu đồng tiền trợ cấp đi học.
Định cho biết, gia đình em còn nghèo, sau em còn 3 em nhỏ đi học, nên khoản tiền này em gửi hết về cho gia đình: "Thực sự là em bất ngờ, vừa được hỗ trợ đào tạo, vừa có phụ cấp để khỏi phải lo lắng về tiền bạc, chu cấp cho gia đình. Với em, không có cơ hội nào hơn nữa"- Định chia sẻ.
Ngoài tiền trợ cấp, các học viên còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở và một số chi phí trang thiết bị học tập. Ông Lê Văn Thanh khẳng định, khóa học này thành công, thì hàng chục ngàn lao động VN có cơ hội tham gia chương trình tương tự, vừa giúp các em có việc làm ổn định, lương tốt, vừa mang lại uy tín lớn cho lao động Việt Nam trên bản đồ thị trường lao động quốc tế.
Kiều Lê An