Dân Việt

Ngày tết, chớ để mắc... "bệnh từ mồm"

13/02/2013 06:30 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày tết nghỉ dài là cơ hội cho nhiều gia đình tụ tập, tổ chức ăn uống hoặc đi du xuân, đi thăm thú họ hàng, chúc nhau may mắn, hạnh phúc. Tuy nhiên, đây cũng là dịp xảy ra nhiều tai nạn, sự cố đáng tiếc.

Nguy cơ "bệnh từ mồm"

Tiết trời ngày xuân thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Ở miền Bắc thì mưa phùn ẩm ướt, miền Nam thì nóng nực. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, hàng hóa được tích trữ từ trong năm để mang ra bán có thể sẽ ẩm mốc. Trong khi đó, phong tục tết lúc nào cũng phải cỗ bàn sum suê, gia đình nào cũng làm nhiều, đồ ăn dư thừa nhiều, tích trữ lâu, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Người ăn dễ bị ngộ độc, tiêu chảy.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), tình trạng ngộ độc thức ăn trong những ngày tết thường tăng vọt. Vì thế, ông Phong tư vấn, người dân cần lựa chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng, ăn chín, uống sôi. Không làm quá nhiều đồ ăn, nên bảo quản ở nơi khô ráo, sạch sẽ, đậy kín để tránh ruồi muỗi, gián-chuột. Kể cả thực phẩm để trong tủ lạnh cũng không nên để quá lâu sẽ sinh mùi lạ, ôi thiu.

img
Thức ăn, quà vặt đường phố ngày xuân là ổ bệnh cho đường tiêu hóa.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), khi đi du lịch, đi chơi xuân, người dân cũng cần chú ý đến việc ăn uống ngoài đường. Do các điểm vui chơi thường đông người nên không ít hàng quán làm ăn kiểu chụp giật, bán đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, chén bát cũng không được rửa kỹ. Trẻ nhỏ, người già có sức đề kháng kém, rất dễ bị ngộ độc nếu ăn các thức ăn chế biến bẩn, ôi thiu.

Vì thế, khi đi du lịch, người dân cần chọn món ăn tươi, chế biến tại chỗ hoặc các loại rau củ (gọt vỏ cho sạch sẽ), ăn đồ luộc, không nên ăn các món xào hoặc chế biến cầu kỳ sẽ khó nhận biết được thực phẩm có tươi hay không.

“Bệnh nhân bị ngộ độc do uống mật và rượu mật nhập viện nhẹ thì suy thận cấp, viêm gan, suy gan, vàng mắt vàng da, nặng thì tử vong. Vì thế, để tránh những trường hợp "chạy thẳng từ bàn nhậu tới bệnh viện", cánh đàn ông cần hạn chế uống rượu say, rượu không rõ nguồn gốc. Xuân khỏe thì xuân mới vui”.

TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngày tết, cánh đàn ông cũng hay chén chú chén anh, thường uống quá chén. Tình trạng ngộ độc rượu ở dịp tết thường tăng gấp nhiều lần ngày thường. Rượu gây ngộ độc cũng rất đa dạng. Có thể là rượu quốc lủi tự nấu, rượu lậu có hàm lượng methanol cao, hoặc rượu thuốc, ngâm các loại cây, củ, con vật, bộ phận động vật "giời ơi". Không ít ca ngộ độc rượu mật như mật cá, mật lợn, mật vịt…

Đề phòng tai nạn, củi lửa

Ngày tết nhiều việc dọn dẹp, trang trí, nấu nướng trong gia đình nên xảy ra nhiều tai nạn hơn. Theo bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư), tai nạn về mắt xảy ra trong những ngày tết là khá nhiều, đặc biệt đối với thanh thiếu niên và trẻ em. Nhiều em nhỏ bị cành đào, cây quất trong nhà chọc vào mắt, có em lại bị bỏng do tàn lửa bắn ra khi loanh quanh bên nồi bánh chưng, có bà nội trợ khi xào nấu bị bắn mỡ vào mắt... Đó là chưa kể đến các tai nạn khi đốt pháo lậu, đốt pháo tự tạo bằng que diêm… Vì thế, theo bác sĩ Hoàng Chương, cho dù tham gia hoạt động gì, người dân cũng cần đề phòng các tai nạn nhất là đối với trẻ em hay nghịch dại, thiếu chú ý.

img
Tham gia lễ hội đông đúc nên đề phòng tai nạn.

Còn TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tết năm nay có khả năng rét buốt, vì thế, người dân khi đi du lịch vui chơi cần đề phòng giữ ấm. Người già cần được thường xuyên đo huyết áp để giữ huyết áp ổn định, nếu trời quá lạnh thì hạn chế đi ra ngoài đường, tránh nguy cơ mạch co, khiến người già bị đột quỵ. Còn trẻ nhỏ hiếu động, nghịch ngợm, nếu mặc quần áo ấm, khi vui chơi lại đổ mồ hôi, ướt áo thì lại dễ bị viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp. Khi đi chơi nên mang theo cả áo dầy và áo mỏng để thay cho trẻ, thường xuyên kiểm tra xem trẻ có bị đổ mồ hôi hay không.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cũng ý người dân về các tai nạn giao thông trong dịp tết. Tết Nhâm Thìn 2012, có 12.749 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông. Đáng lưu ý, có đến 2.365 trường hợp bị chấn thương sọ não và gần 30% số nạn nhân chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm. Riêng Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 500 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông chỉ trong 9 ngày tết. Nguyên nhân các vụ tai nạn phần nhiều là tham gia giao thông sau khi uống rượu, chen lấn khi đi du xuân, chở nhiều người…

Lưu ý để tránh tai nạn

Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức những ngày tết chủ yếu cấp cứu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ca cấp cứu vì những tai nạn nhỏ nhưng nguy hiểm.

Ngã do … thắp hương bàn thờ: Nhiều gia đình để bàn thờ cao, trong khi người thắp hương chủ yếu là người già. Do đứng không vững, chân ghế yếu, nhiều người bị ngã dẫn tới bong gân, sai khớp. Trường hợp nặng còn có thể bị gãy xương, tê cứng phần lưng, mông (do ảnh hưởng tới tủy sống, xương sống).

Ngã, tai nạn do leo cao: khi lau cửa kính, quét mạng nhện, đảo ngói, sơn nhà… Nguyên nhân ngã thường do thang… yếu, thang kê cập kênh, không giữ được thăng bằng.

Tai nạn điện giật: Ngày tết các gia đình đều giăng bóng điện lên cây quất hoặc cành đào, hoặc khi ăn lẩu. Nếu ổ cắm, dây dẫn hở rất dễ gây tai nạn.

Hóc xương: Ngày tết ăn uống liên miên, vừa ăn vừa nói chuyện nên nhiều người bị hóc xương gà, xương lợn. Có những ca hi hữu cấp cứu mùng 1 tết vì lý do này.