Nghề phù hợp...
Trong số 40 học viên tham gia lớp học nghề chăn nuôi thỏ xuất khẩu theo Đề án 1956 tại xã Hồng Giang thì có hơn nửa là các cô, các bác nông dân lớn tuổi. Bà Trần Thị Giang chia sẻ: "Tôi nay đã gần 60 tuổi rồi, việc nặng không làm được nhiều, không bươn chải thương trường được nữa. Nhà có 4 người, tôi là lao động chính, 3 người còn lại không lao động được và đang hưởng trợ cấp xã hội. Được tham gia lớp học nghề chăn nuôi thỏ, có kiến thức rồi tôi mạnh dạn vay vốn và hiện đã nuôi được 300 con, mỗi năm thu nhập trên 40 triệu đồng".
Chị Xuân với mô hình nuôi thỏ xuất khẩu. |
Ở tuổi 60, bà Giang vẫn rất ham học vì theo bà học nghề này phù hợp với nhận thức, sức khỏe. Bà chia sẻ: "Nuôi thỏ không khó, nhưng phải chú ý quan sát. Đặc biệt là thời tiết, vì loài thỏ rất nhạy cảm, khi chuyển mùa người nuôi phải chú ý để đảm bảo độ mát mẻ mùa hè và ấm áp mùa đông. Hơn nữa, hệ tiêu hóa của thỏ phức tạp, tránh tình trạng thỏ rối loạn tiêu hóa. Dấu hiệu nhận biết thỏ mắc dịch bệnh là phân nát, lông xù, kém ăn".
Chị Nguyễn Thị Xuân (thôn Bãi Bông) cũng bày tỏ: "Nông dân 40-50 tuổi như tôi giờ đi học nghề gì cũng khó, chân tay lóng ngóng. Chúng tôi chỉ muốn được học nghề gì mà có thể làm tại nhà, tại xã. Cuối năm 2011, tôi tham gia lớp học chăn nuôi thỏ tổ chức ở xã. Qua lớp học thấy được thỏ là vật dễ nuôi, không tốn diện tích, thu nhập cao, do vậy tôi đầu tư ngay chuồng nuôi và hiện cũng có thu nhập tốt".
Hiện đàn thỏ của gia đình chị Xuân có 300 con, đến mùa sinh sản có khi lên tới 400 con. Mỗi năm chị có thêm thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Liên kết cùng doanh nghiệp
Để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người nuôi thỏ, Phòng LĐTBXH Lục Ngạn liên kết với Công ty New Gie Line Việt Nhật nhận bao tiêu sản phẩm. Người nuôi phải ký hợp đồng cam kết cung cấp đủ số lượng thỏ và thời gian làm nghề.
Bà Giang cho biết, sau khi ký hợp đồng, bà nhận thỏ giống có nguồn gốc nước ngoài do Công ty New Gie Line Việt Nhật cung cấp. Với cách làm này, bà đã thực sự nuôi theo quy trình khép kín. "Vì vậy mà chúng tôi chủ động được từ khâu sản xuất con giống đến khi xuất bán, nguồn thức ăn và phòng tránh dịch bệnh tốt, đảm bảo đàn thỏ sinh trưởng và phát triển khá nhanh"- bà Giang nói. Thăm khu chăn nuôi của bà Giang mới thấy bà nuôi khá cẩn trọng và tuân thủ các hướng dẫn làm nghề. Chẳng hạn đối với thỏ giai đoạn vỗ béo cần tăng dần lượng thức ăn tinh bột trong khẩu phần; đối với thỏ nuôi con cần tăng lượng thức ăn tinh bột trong vòng 20 ngày đầu vì trong giai đoạn này thỏ mẹ vừa phải phục hồi sức khỏe, vừa phải tiết sữa nuôi con; giai đoạn tiếp theo thì cung cấp lượng tinh bột ít hơn để tránh thỏ bị mập dẫn đến vô sinh...
Ông Lê Xuân Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Giang cho biết: Từ thực tế mô hình ở Hồng Giang, tỉnh có định hướng đào tạo những nghề để giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế; dạy những nghề thu hút nhiều lao động; những nghề giúp nông dân nhàn rỗi sau mùa vụ có việc làm, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn... “Năm 2012, tỉnh Bắc Giang sẽ đào tạo cho khoảng 2.000 lao động theo hướng này” - ông Trung cho biết.
Ngô Xuân