Cổ phiếu Vietjet Air bốc hơi trăm tỷ sau sự cố hi hữu
Sau thông tin máy bay Vietjet gặp sự cố khiến nhiều người nhập viện, cổ phiếu VJC của Vietjet Air giảm mạnh khiến vốn hóa thị trường hãng hàng không này “bốc hơi” hàng trăm tỷ.
Cụ thể, chốt phiên 30/11, VJC dừng ở mức 131.000 đồng/CP sau khi giảm 1.500 đồng/CP (tương đương 1,2% so với phiên giao dịch hôm qua). Điều này có nghĩa vốn hóa thị trường Vietjet hao hụt 812 tỷ đồng.
Trước đó, vào tối ngày 29/11, chuyến bay VJ356 của hãng hàng không Vietjet bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Buôn Mê Thuột đã gặp sự cố nghiêm trọng. Cụ thể, trong quá trình hạ cánh xuống sân bay Buôn Mê Thuột, máy bay đã gặp vấn đề kỹ thuật, 2 bánh ở càng trước bị mất khiến máy bay mất thăng bằng.
Toàn bộ 207 hành khách và phi hành đoàn phải thực hiện rời máy bay bằng 4 cửa thoát hiểm với phao trượt. Có 6 hành khách bị chấn thương và được đưa vào bệnh viện. Sân bay Buôn Mê Thuột đã phải đóng cửa và tạm ngưng khai thác các chuyến bay.
Vốn hóa thị trường của Vietjet Air “bốc hơi” hàng trăm tỷ sau sự cố hạ cánh khiến nhiều người nhập viện.
Nhấp nhổm chờ “đại gia lạ mặt” bỏ 7.000 tỷ thâu tóm Vinaconex
Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà Nước (SCIC) tuần qua đã phát đi thông báo gửi tới Công ty An Quý Hưng - nhà đầu tư thắng trong buổi đấu giá trọn lô hơn 254 triệu cổ phần Vinaconex.
Ngoài khoản cọc 543 tỷ, An Quý Hưng phải nộp số tiền còn lại hơn 6.800 tỷ trong ngày 4/12.
Nhiều thông tin trên báo chí sau đó cho rằng, để thu xếp, An Quý Hưng đã thực hiện thế chấp ngân hàng một loạt tài sản trong đó có lô đất thuộc dự án Geleximco – Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn.
An Quý Hưng được thành lập năm 2001, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi 2 cá nhân gồm ông Nguyễn Xuân Đông (70%) và bà Đỗ Thị Thanh, vợ của ông Đông (30%). Đây là công ty trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp tại khu vực miền Bắc, bất động sản và nhiều lĩnh vực khác
Đáng nói là kết thúc năm 2017, công ty An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn chỉ gần 1.000 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều số tiền hơn 7.000 tỷ đồng mà đơn vị này phải bỏ ra để mua Vinaconex.
Kido của ông Trần Kim Thành nắm thương hiệu dầu ăn nghìn tỷ
Kido của ông Trần Kim Thành đã hoàn tất các thủ tục mua lại 51% Công ty Golden Hope Nhà Bè - một trong những đơn vị có thị phần lớn trên thị trường dầu ăn Việt Nam.
Tập đoàn KIDO tuần qua đã hoàn tất các thủ tục mua lại 51% Công ty Golden Hope Nhà Bè - một trong những đơn vị có thị phần lớn trên thị trường dầu ăn Việt Nam.
Công ty Golden Hope Nhà Bè (GHNB) là đơn vị liên doanh giữa Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex và Sime Darby. Trong khi ấy, Vocarimex- đơn vị nắm giữ 49% cổ phần tại GHNB chính là công ty thành viên của Tập đoàn KIDO. Bởi vậy, với việc mua lại 51% cổ phần GHNB, Tập đoàn KIDO đã gián tiếp sở hữu 100% cổ phần tại GHNB.
GHNB là đơn vị sở hữu những thương hiệu dầu ăn quen thuộc như Marvela, Ông Táo với doanh số hàng năm vào khoảng 1.300 tỷ đồng/năm,.
Trước đó, báo cáo 9 tháng của KIDO cho thấy, công ty này có doanh thu trên 5.700 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng dầu ăn.
"Ông chủ" của Red Bull sẽ rót 120 triệu đô vào Việt Nam
Tập đoàn TCP (Thái Lan) - sở hữu của thương hiệu nước tăng lực Red Bull khẳng định sẽ rót khoảng 120 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới.
CEO Saravoot Yoovidhya của TCP giải thích lý do khoản đầu tư lớn trên bởi người Việt Nam tiêu thụ "đồ uống năng lượng" thường xuyên hơn người Thái. Ngoài ra, các sản phẩm như nước tăng lực tại Việt Nam không bắt buộc phải thực hiện cảnh báo về việc tiêu thụ quá mức. Trong khi ấy, tại Thái Lan, các công ty phải đối mặt với quy định trên.
Vị này tính toán, thị trường đồ uống năng lượng ở Việt Nam có tổng giá trị thị trường là 25 tỷ baht, tương đương 760 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng lên đến 6% mỗi năm. Trong khi ấy, TCP hiện có thị phần lên đến 42% ở Việt Nam và dự kiến sẽ tăng thị phần lên hơn 50% trong 5 năm tới.
Tập đoàn TCP (Thái Lan) - sở hữu của thương hiệu nước tăng lực Red Bull khẳng định sẽ rót khoảng 120 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới.
Vượt qua TH True MILK, Vinamilk trúng thầu sữa học đường Hà Nội
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là đơn vị trúng thầu Chương trình sữa học đường tại Hà Nội.
Vinamilk đã trúng thầu với mức giá 3,8 tỷ đồng. Mức giá 1 hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp có dung lượng 180ml và không tăng giá trong suốt thời gian triển khai chương trình.
Để thực hiện chương trình này, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%.
Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chương trình đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2020, khoảng 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường. Chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Trước đó từ ngày 10/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã mở thầu Chương trình Sữa học đường. Công ty CP Thực phẩm sữa TH và Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk là 2 nhà thầu đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm, được mời tham gia mở hồ sơ.
Sau vụ dứt áo ra đi của Cường đô la, nhiều người tò mò, vị thiếu gia phố núi sẽ làm gì khi rời xa vòng tay bà Nguyễn...