88% lao động nữ nông thôn chưa được đào tạo
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Lao động nữ chưa qua đào tạo - những vấn đề xã hội trong kỷ nguyên số” do Hội đồng khoa học Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vừa tổ chức.
Theo ông Trần Quý Long (Viện Nghiên cứu Gia đình và giới), kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016 cho thấy, tỷ lệ nữ giới chưa qua đào tạo là 81,6%, cao hơn nam giới (76,7%). Trong đó, tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo ở khu vực thành thị chỉ chiếm khoảng (57%) thì tỷ lệ này ở khu vực nông thôn lên đến 88%. Các số liệu cho thấy, có nhiều thách thức lớn trong vấn đề nâng cao trình độ cho lao động nữ ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, xu hướng lao động nông thôn chưa qua đào tạo ở nông thôn đang có chiều hướng giảm dần từ năm 2010 đến năm 2016 ở cả nam (từ 89,7% xuống còn 81,7%) và nữ (từ 91,4% xuống 85%). Trong tất cả vùng miền, thì tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ cao nhất, con số lần lượt là 93,2% và 92,8%.
Lao động nữ ở một số ngành như dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử đối mặt với nhiều rủi ro việc làm trong cuộc cách mạng 4.0 (ảnh minh họa). ảnh: Phan Hoạt
Hầu hết, phụ nữ chưa qua đào tạo làm các công việc giản đơn, tập trung ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, có tôn giáo, nhóm học vấn thấp, thuộc nhóm dân tộc ít người, nhóm người sống ở nông thôn, khu vực miền núi. Lao động nữ làm các công việc giản đơn có thu nhập khá thấp, chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng (so với lao động trình độ đại học khoảng 6 triệu). Mức thu nhập của nữ giới cũng thấp hơn nam giới. Lao động nữ chưa qua đào tạo cũng gặp nhiều bất lợi hơn so với lao động qua đào tạo về đời sống vật chất như tiện nghi sinh hoạt, về nhà ở, điều kiện kinh tế và có thu nhập thấp.
Chính bởi vậy, lao động nữ chưa qua đào tạo phải đối diện nhiều thách thức: Họ thuộc nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tập trung chủ yếu ở nhóm nghèo…
Tạo sinh kế, nâng quyền bình đẳng
Trước thực trạng lao động nữ chưa được đào tạo quá cao đã tác động xấu tới chất lượng, thu nhập của lao động, bà Vương Thị Hanh - nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, cần phải đặt ra hàng loạt câu hỏi: Lý do vì sao? Trách nhiệm thuộc về ai? Vì người lao động không muốn đào tạo hay vì chưa có chiến lược, chính sách phù hợp, chưa đầu tư thích hợp? Chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển của đất nước?
Còn GS-TS Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cần phải gắn đào tạo cho lao động nữ với tạo việc làm. Thực trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là lao động đào tạo xong (đặc biệt là lao động được đào tạo sơ cấp, thời gian đào tạo dưới 1 năm) thường không tìm được việc làm phù hợp, không đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Việc nghiên cứu lao động nữ chưa qua đào tạo phải đặt ra giả thuyết việc làm, tạo việc làm, tạo sinh kế cho lao động nữ. Bên cạnh đó, đào tạo nghề cho lao động nữ cần tạo ra sự bình đẳng giới”– ông Anh nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Học viện Thanh niên cho rằng, cần phải làm tốt ngay khâu dự báo xu hướng việc làm và tư vấn hướng nghiệp cho lao động nữ, đặc biệt là nữ thanh niên nông thôn khi họ vừa chập chững bước chân vào thị trường lao động. Hầu hết lao động nữ đang gặp nhiều khó khăn, loay hoay trong tìm kiếm việc làm nhưng thiếu sự tư vấn về nghề nghiệp. Thiếu kinh nghiệm nên khi làm việc không đáp ứng được mong muốn của nhà tuyển dụng, thêm vào đó họ cũng thiếu kỹ năng nghề cần thiết...” - ông Tuấn Anh nói.
Do vậy, theo ông Tuấn Anh, thời gian tới cần quan tâm công tác dự báo xu hướng việc làm và tư vấn hướng nghiệp cho lao động nữ thanh niên, nữ nông dân, đồng thời quan tâm về chính sách ưu đãi, hỗ trợ về mặt tiền lương, thu nhập chính. Đặc biệt, Nhà nước cùng cơ quan có liên quan cần phối hợp đào tạo, bồi dưỡng lao động nữ ở nông thôn, chú trọng đến công tác dự báo tìm kiếm việc làm cho đối tượng này.