Dân Việt

Thiếu than sản xuất điện, lãnh đạo Nhiệt điện Hải Phòng nói gì?

Nguyễn Đại - Nguyễn Quý 07/12/2018 06:30 GMT+7
“ Ngay sau khi chúng tôi có công văn gửi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình trạng thiếu than cho nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng hoạt động, đến hôm nay ngày (4.12) tình hình cung cấp than đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu” đó là nhận định của ông Dương Sơn Bá - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng về việc cung cấp than cho nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng.

Liên quan đến việc nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng phải dừng hoạt động 1 tổ máy do thiếu than, phóng viên báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Dương Sơn Bá – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng xung quang vấn đề trên.

img

Ông Dương Sơn Bá – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đang trao đổi với PV Dân Việt

Thưa ông, xin ông cho biết  quy mô, công suất thiết kế của nhà máy?

- Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng có 4 tổ máy phát điện với công suất 300 MW/ tổ máy.  Với công suất thiết kế như vậy nhà máy đang cung cấp điện cho toàn thành phố công nghiệp Hải Phòng.

Vậy lượng than cung cấp cho nhà máy là bao nhiêu tấn/ngày thưa ông?

- Để cho nhà máy hoạt động  thì lượng tiêu thụ than dao động từ 12 đến 13 nghìn tấn/ngày.

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng có hợp đồng cung cấp than với đơn vị nào thưa ông?

- Công ty nhiệt điện Hải Phòng có hợp đồng cung cấp than với 2 đơn vị là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam  (TKV) và Tổng Công ty than Đông Bắc.  Theo hợp đồng thì  TKV cung cấp cho nhiệt điện Hải Phòng  2,2 triệu tấn/năm, Công ty Than Đông Bắc cung cấp 1,1 triệu tấn/năm.

Vì sao ngày 22.11 nhiệt điện Hải Phòng phải dừng hoạt động 1 tổ máy thưa ông?

-  Việc này là do  TKV và Tổng Công ty than Đông Bắc không cung cấp đủ than cho nhà máy hoạt động.

Ông có thể nói rõ hơn không?

- Theo hợp đồng cung cấp than giữa Công ty nhiệt điện Hải Phòng  và  TKV, Tổng Công ty than Đông Bắc,  tính đến hết ngày 21.11 TKV cung cấp cho nhiệt điện hải phòng 1,6 triệu/2,2 triệu tấn, đạt 76% khối lượng, Tổng Công ty than Đông Bắc cung cấp 958 nghìn tấn/1,1 triệu tấn đạt 87% khối lượng.

Đến tháng 11 sản lượng điện dự kiến của công ty  là 602 kWh, vì vậy nhu cầu than của nhà máy là khoảng 275 nghìn tấn, tuy nhiên đến hết ngày 21.11 TKV mới giao được 95 nghìn tấn, Tổng Công ty than Đông Bắc giao 43 nghìn. Do lượng than cung cấp hàng ngày thấp không đủ để hoạt động,  vì vậy để đảm bảo an toàn vận hành các tổ máy Công ty đã phải đăng ký ngừng hoạt động tổ máy 1 vào lúc 1 giờ 15 phút ngày 22.11.

Việc cung cấp than không đủ để cho nhà máy hoạt động có ảnh hưởng như thế nào thưa ông?

- Việc cung cấp than không đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của nhiệt điện Hải Phòng cũng như ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Để khởi động tổ máy  số 1 (tổ máy đã bị dừng hoạt động ngày 22.11) hoạt động trở lại chúng tôi phải mất 150 nghìn tấn dầu, tương đương với 3 tỷ đồng.

Vậy đến giờ này  TKV và Tổng Công ty than Đông Bắc đã cung cấp đủ than cho nhiệt điện Hải Phòng  chưa thưa ông?

- Ngay sau khi chúng tôi có công văn gửi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình trạng thiếu than cho nhà máy hoạt động, đến hôm nay ngày (4.12) tình hình cung cấp than đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu,  vì theo công suất thiết kế của nhà máy để cho 4 tổ máy hoạt động phải cần từ 12 đến 13 nghìn tấn/ ngày,  nhưng trong mấy ngày qua TKV và Tổng Công ty than Đông Bắc chỉ mới cung cấp được khoảng 10 nghìn tấn/ ngày, hơn thế nữa lượng dự  trữ than của nhà máy chỉ được khoảng 65 nghìn tấn ( tương đương với 4 ngày hoạt động), trong khi đó theo thiết kế thì lượng dữ trữ than của nhà máy phải đạt 170 nghìn tấn ( tương đương với 14 ngày hoạt động).

Vậy nhiệt điện Hải Phòng có kế hoạch mua than từ các đơn vị khác không thưa ông?

- Hiện nay, nhiệt điện Hải Phòng đang mua than của TKV và Tổng Công ty than Đông Bắc, nếu muốn mua than của đơn vị khác phải đo Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định.

Xin cảm ơn ông.

Ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch HĐQT công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết: Không chỉ riêng nhiệt điện Quảng Ninh mà các nhà máy nhiệt điện không thuộc tập đoàn TKV đều chưa ký hợp đồng dài hạn với TKV là do chưa có tiền lệ. Từ trước đến nay nhiệt điện Quảng Ninh chỉ ký hợp đồng mua than từng năm một với TKV và Tổng công ty Đông Bắc và chưa bao giờ có chuyện thiếu than như năm nay.

Theo Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý với hoạt động sản xuất, kinh doanh than năm 2015, các nhà máy nhiệt điện chỉ được phép ký hợp đồng mua than của tập đoàn TKV và tổng công ty Đông Bắc. Như vậy, dù chỉ ký hợp đồng mua than theo năm nhưng trước khi ký chúng tôi cũng đều phải có kế hoạch và thương thảo hợp đồng với 2 đơn vị cung cấp trước đó nhiều tháng. Việc ký hợp đồng dài hạn cũng chỉ giống như ký hợp đồng ghi nhớ và hàng năm vẫn phải ký các phụ lục hợp đồng dựa vào tình hình sản xuất dự kiến của năm sắp tới. Hợp đồng dài hạn hay ngắn hạn thì chúng tôi cũng chỉ được sử dụng than của TKV và Đông Bắc.

Từ cuối tháng 9 khi thấy lượng than không đủ để hoạt động, công ty đã gửi nhiều công văn đề nghị tập đoàn TKV và Bộ Công thương tăng cường lượng than cung cấp đảm bảo đủ than phục vụ sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2018.

Trong đó gần đây nhất sau khi tập đoàn TKV trả lời không còn nguồn than để cung cấp, tập đoàn EVN đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép EVN chủ động tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và nhập khẩu than để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.