Mới đây, Bộ GDĐT đã công bố những thông tin ban đầu về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, khâu chấm thi, cũng là khâu được nhiều người quan tâm nhất về tính bảo mật, sẽ được đảm bảo an toàn tối đa. Cụ thể, phòng chấm thi sẽ được đặt camera 24/24, toàn bộ khâu chấm thi sẽ do trường đại học chủ trì và Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm thi bài trắc nghiệm.
Bộ GDĐT đã công bố thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019. (Ảnh: Việt Phương)
Ngoài ra, quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm cũng được mã hóa để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, không ai có thể có được thông tin về thí sinh và bài thi của thí sinh. Có thể nói, đây là một hình thức đánh phách điện tử.
Còn nhớ, ông Hoàng Trọng Lương - cán bộ cụm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang đã lợi dụng khe hở trong việc bảo quản bài thi sau khi chấm thi để thay đổi hoàn toàn dữ liệu trong hàng loạt file điểm thi. Vì vậy, việc đánh phách điện tử có thể là một khâu then chốt nhằm ngăn ngừa sai phạm này có thể lặp lại.
Bộ GDĐT đưa ra các biện pháp chống gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. (Ảnh: Việt Phương)
Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh về việc đảm bảo tính minh bạch trong công tác coi thi. Toàn bộ các cán bộ, giảng viên sẽ được điều động từ các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là trường ĐH, CĐ) đến các Hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Quy định về việc sắp xếp chỗ ngồi cho các thí sinh tự do cũng được Bộ GDĐT lưu ý. Còn nhớ năm 2018, Bộ GDĐT cũng phải cử đoàn thanh tra lên Lạng Sơn để làm rõ về việc một phòng thi có tới 35 chiến sĩ công an nghĩa vụ là thí sinh tự do. Điều đặc biệt là có tới 29/35 chiến sĩ này đã đỗ vào Học viện An ninh, Cảnh sát sau khi có kết quả.
Đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. (Ảnh: Việt Phương)
Nội dung đề thi được cho biết sẽ chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở tuyển sinh.
Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT, 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Đây được xem là những động thái của Bộ GDĐT sau những vụ gian lận diễn ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, Hà Giang.