Câu chuyện về cuộc đời ông còn là niềm cảm hứng dạt dào cho điện ảnh cũng như văn học. Chúng ta từng biết tới một nhân vật Bao Thanh Thiên trên màn ảnh là một vị quan có làn da đen với vết sẹo hình trăng lưỡi liềm trên trán. Tuy nhiên, ngoại hình của Bao Thanh Thiên ngoài đời thực không hoàn toàn giống phim ảnh.
Nhân vật Bao Công trong bộ phim nổi tiếng "Bao Thanh Thiên" (1993) do diễn viên Kim Siêu Quần đảm nhận (Ảnh cắt từ phim)
Bao Thanh Thiên tên thật là Bao Chửng (999-1062, tự Hy Nhân), quê ở Lư Châu, nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông trị vì (1022 - 1063), Bao Chửng nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, công tư phân minh và không khiếp sợ quyền uy. Trước khi trở thành Thừa tướng, ông đảm trọng trách Phủ doãn phủ Khai Phong trong một năm. Trước đó, ông từng làm Nhậm đốc chuyển vận sứ do làm phật ý Hoàng đế.
Theo truyền thuyết, Bao Chửng là một vị thần giáng trần; bởi vậy ông có thể xử án ở cả hai thế giới âm - dương. Ban ngày, ông xử án trần thế, ban đêm lại xử án âm phủ. Theo sử sách, có đến hơn 30 người quyền cao chức trọng, thậm chí là hoàng thân quốc thích bị trừng trị dưới tay Bao Chửng. Ngoài tên thật, ông còn được biết đến với nhiều cái tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Công, Bao Hắc Tử,...
Bao Chửng qua đời đột ngột ở tuổi 63, chỉ sau khi lâm bệnh 13 ngày. Cái chết của ông đến nay vẫn còn nhiều uẩn khúc; bởi nhiều giả thiết cho rằng ông bị đầu độc. Nhiều học giả cho biết trong số thuốc mà Bao Chửng uống khi lâm bệnh là do Ngự y dâng lên, của Hoàng đế ban cho. Sinh thời, ông đã vạch mặt nhiều thái y nên có không ít kẻ thù. Việc các nhà sử học hoài nghi Bao Chửng bị đầu độc là hoàn toàn có lý.
Sự ra đi của ông đã lấy đi nước mắt và để lại niềm xót thương cho vô số người dân. Đích thân Hoàng đế Tống Nhân Tông đã làm lễ truy điệu cho ông. Trong lễ tang, Hoàng đế cũng phong Bao Chửng là Lại bộ Thượng Thư và phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu ông về mai táng ở quê nhà.
Ngoại hình thật của Bao Công
Nếu trên phim, hình tượng Bao Công do Kim Siêu Quần thủ vai là một người đàn ông khá to cao, da đen và có đặc điểm nổi bật nhất là vết sẹo hình trăng lưỡi liềm trên trán, thì ngoại hình của Bao Công thật hoàn toàn khác. Dựa vào hài cốt đã khai quật được ở mộ phần của Bao Công, các nhà khoa học cho biết Bao Thanh Thiên cao khoảng 1m65, sở hữu làn da trắng và trông có vẻ thư sinh.
Theo nghệ thuật tạo hình trong Kinh Kịch Trung Quốc, mặt trắng đại diện cho tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho quân tử, công chính liêm minh. Có lẽ bởi vậy mà chúng ta thấy trên màn ảnh một Bao Thanh Thiên da đen do dụng ý của đạo diễn nhằm khắc họa rõ nét tính cách cương trực, quân tử của vị quan liêm chính nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa này.
Ngoài đời thực, Bao Chửng không có vết sẹo hình trăng lưỡi liềm trên trán. Việc tạo hình nhân vật Bao Thanh Thiên trong phim sở hữu "vầng trăng khuyết" vì theo truyền thuyết, vầng trăng này sẽ soi đường chỉ lối cho ông ngay khi ông ở trong hoàn cảnh tăm tối nhất.
Cuộc sống gia đình
Bao Công sống với cha mẹ cho tới khi họ qua đời, không phải bị bỏ rơi và ở với Tẩu nương như trong phim. Cha của ông là Bao Nghi, một đại phu trong triều đình. Sau khi qua đời, ông được phong Hình bộ thị lang. Thủa còn thơ, Bao Chửng được biết đến là đứa trẻ ngon ngoãn, biết vâng lời và có lòng hiếu thảo với cha mẹ.
Ngoài ra, Bao Thanh Thiên ngoài đời thật không hề sống độc thân. Ông có một vợ và một thiếp cùng hai đứa con trai. Khi khai quật mộ của ông, người ta phát hiện ông được chôn cùng với người vợ thứ hai.
Mộ Bao Công với án thờ ở phía trên (ảnh: Wikipedia)
Công Tôn Sách chỉ là một nhân vật trong phim?
Theo những tài liệu nghiên cứu về Bao Chửng, không hề tồn tại ghi chép nào về nhân vật Công Tôn Sách. Bởi vậy, nhiều học giả cho rằng bên cạnh Bao Thanh Thiên không có trợ thủ nào như Công Tôn Sách trong phim.
Tại nơi an táng của vị quan liêm chính này, người ta còn tìm thấy tấm mộ chí của ông bị đập ra làm nhiều mảnh. Sau khi các mảnh vỡ được ghép lại tương đối hoàn chỉnh, các nhà sử học phát hiện ra hàng ngàn chữ kể về cuộc đời của Thanh Thiên đại lão gia, nhiều hơn gấp ba lần so với các dữ kiện được lưu trong "Tống sử".
Lối vào nơi chôn cất Bao Công (Ảnh: Wikipedia)
Vị quan thanh liêm từng bị xếp vào loại “ngưu quỷ xà thần” phải quét sạch
Sinh thời, Bao Công nổi tiếng là vị quan liêm chính, công tư phân minh và không nể nang ai, thậm chí cả hoàng thân quốc thích. Với dân thường, ông đúng là "trời xanh". Thế nhưng, trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Hoa, phong trào “Phá tứ cựu, lập tứ tân” lan rộng năm 1966, Bao Chửng bị xem là "ngưu quỷ xà thần", còn tồi tệ hơn cả tham quan bởi ông ủng hộ và duy trì chế độ phong kiến. Những thứ liên quan đến cuộc đời Bao Công nhẽ ra được trưng bày lại bị đập phá. Từ đường nằm trong khu Bao Hà trở thành nhà nấu ăn của hợp tác xã; bia đá, hoành phi, liễn đối, tượng Vương Triều, Mã Hán đều bị phá nát; thậm chí tượng của Bao Thanh Thiên còn bị các Hồng vệ binh dùng dao chém nát và bức họa truyền thần Bao Công được truyền qua nhiều đời bị treo lên cây đốt cháy thành tro.
Khu lăng mộ Bao Công được đổi tên thành "Vạn tuế quán" cũng bị Hồng vệ binh thiêu hủy nhiều thư tịch cổ. Phần mộ của vị quan thanh liêm một thời không thể duy trì vẹn toàn. Trước đó, nơi đây cũng bị đào trộm, về sau bị lấn chiếm để làm đất canh tác. Theo sử sách, sau khi Bao Công ra đi; các cận vệ bên cạnh ông đều lang bạt giang hồ; chỉ còn lại duy nhất Vương Triều ở lại chăm mộ chủ. Về sau, khi Vương Triều qua đời, hậu duệ của Bao Công thờ ông như người nhà.
Wikipedia có ghi lại hiện có 15 mảnh xương của Bao Thanh Thiên được trưng bày trong Nhà Bảo tàng tỉnh An Huy. Tại điện thờ ông có hai câu liễn: "Lý Oan Ngục, Quan Tiết Bất Thông, Tự Thị Diệm La Khí Tượng. Chẩn Tai Lê, Từ Thiện Vô Lương, Y Nhiên Bồ Tát Tâm Trường", ý nói phẩm chất cao quý của ông.
Ngày nay, phủ Khai Phong trở thành một trong những điểm tham quan hút khách du lịch của Trung Quốc.
Phủ Khai Phong ngày nay thành điểm du lịch hút khách (Ảnh: Internet)
(Bài viết có tham khảo từ nhiều nguồn)