Khó về đích đúng hẹn
Năm 2011, xã Yên Lập (Vĩnh Tường) bắt tay vào xây dựng NTM khi chỉ có 2/19 tiêu chí đạt chuẩn. Mặc dù vậy, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Yên Lập mạnh dạn đăng ký về đích vào cuối năm 2018. Mặc dù nỗ lực là vậy, song đến nay khi chỉ còn một tháng nữa là hết năm, Yên Lập mới chỉ đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; môi trường và an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Tiêu chí "Cơ sở vật chất văn hóa" xã khó thực hiện nhất, bởi toàn xã hiện có 7/8 thôn chưa xây dựng được nhà văn hóa và 1 thôn có nhà văn hóa nhưng đã xuống cấp, cần phải xây dựng lại...
Nhiều xã của huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đăng ký về đích năm 2018, song đang gặp khó về tiêu chí giao thông. Ảnh: V.T
“Hiện 6 nhà văn hóa (trong đó có 2 nhà văn hóa liên thôn) được phê duyệt địa điểm, tuy nhiên vẫn chưa thu hồi đất được. Tiêu chí "Môi trường và an toàn thực phẩm", xã còn 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành là: Xã có hơn 5.000m rãnh thoát nước thải cần được cứng hóa để đạt chuẩn và 1 nghĩa trang Đồng Quả chưa được xây dựng theo quy định; bãi rác tập trung của xã tại khu vực Đồng Quả, rộng 3.000m2 đã được phê, song xã chưa có kinh phí giải phóng mặt bằng nên xã vẫn chưa triển khai xây dựng được” – ông Tứ cho biết.
Theo ông Tứ, về tiêu chí "Giao thông", các đường giao thông nông thôn xã đã cơ bản cứng hóa, nhưng các tuyến đường nội đồng hầu hết chưa được cứng hóa, do chưa có kinh phí và người dân ủng hộ, hiến đất chưa cao. Về tiêu chí "Trường học", trường THCS đã cơ bản xây dựng xong, tuy nhiên, sân trường chưa được lát gạch.
“Đã gần hết năm 2018, nên Yên Lập không thể về đích đúng hẹn, chúng tôi dự kiến sẽ phấn đầu về đích vào quý II.2019. Do đó, một mặt xã sẽ nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi các mô hình hiệu quả, mặt khác xã rất mong huyện, tỉnh bố trí kinh phí kịp thời, đồng thời tạo điều kiện để xã hoàn thành các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất để xã lấy kinh phí hoàn thành các công trình, chỉ tiêu về đích NTM” – ông Tú bày tỏ.
Tỉnh cần sớm vào cuộc “gỡ khó”
Vĩnh Phúc đang phấn đấu năm 2020 về đích tỉnh NTM. Do đó, tỉnh đang chỉ đạo các sở ban ngành nỗ lực tìm giải pháp “gỡ khó” cho các xã, đặc biệt là các thủ tục về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất; mức hỗ trợ đặc thù đối với các xã khó khăn...
Hiện Vĩnh Phúc đã có 99/112 xã, 2 huyện (Bình Xuyên, Yên Lạc) được công nhận đạt chuẩn NTM và 2 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên đang chờ Bộ NNPTNT tổ chức thẩm định và T.Ư phê duyệt công nhận.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NNPTNT, tiến độ triển khai và hoàn thành các tiêu chí tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2018 rất chậm; công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt.
Lý giải về tiến độ xây dựng NTM chậm, theo quy định tại Nghị quyết số 115/2013/NQ- HĐND của HĐND tỉnh, về hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng, với 10.000m2 trung tâm văn hóa xã, 500m2/nhà văn hóa thôn.
Tuy nhiên, trong Kế hoạch số 1348/KH-UBND ngày 25.3.2014 của UBND tỉnh lại quy định cụ thể số tiền hỗ trợ 2 tỷ đồng/trung tâm văn hóa, 100 triệu đồng/nhà văn hóa thôn. Thực tế, tại một số xã số tiền này không đủ tiền hỗ trợ cho người dân…
Ngoài ra, với cơ chế hỗ trợ của tỉnh về làm đường giao thông nông thôn chưa thật sự phù hợp với các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2018, 2019. Bởi các xã này đều là xã khó khăn…
Mặt khác, để đạt được tiêu chí 13 (tổ chức sản xuất) cùng với phải có ít nhất 1 HTX được tổ chức, hoạt động theo quy định của luật HTX năm 2012, quy mô phù hợp, kinh doanh có lãi thì địa phương phải có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ, nhưng hiện nay các xã hầu như chưa có mô hình liên kết gắn với sản xuất và tiêu thụ…