Dân Việt

Cơ quan nào điều tra sự cố hàng không ở Việt Nam?

Anh Duy 04/12/2018 21:06 GMT+7
Bộ Giao thông điều tra sự cố, Ủy ban điều tra của Chính phủ sẽ vào cuộc nếu tai nạn hàng không gây chết người hoặc thương tích.

Theo Luật sửa đổi một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014, sự cố tàu bay là vụ việc làm ảnh hưởng hoặc có khả năng làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay nhưng chưa phải là tai nạn.  

img

Chiếc lốp máy bay đầu tiên được tìm thấy trong vụ máy bay gặp sự cố hạ cánh ở sân bay Buôn Ma Thuột. Ảnh IT

Tai nạn trong luật này được hiểu là sự việc có người chết hoặc bị thương nặng do bị tác động trực tiếp của bất kỳ bộ phận nào của máy bay; hoặc máy bay bị tổn hại làm ảnh hưởng xấu đến độ bền của kết cấu, tính năng dẫn đến phải sửa chữa lớn hoặc thay thế bộ phận bị hỏng; hay máy bay bị mất tích hoặc hoàn toàn không thể tiếp cận được. 

Bộ Giao thông Vận tải điều tra với các vụ sự cố và tai nạn khi máy bay bị tổn hại, hư hỏng. Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay do Thủ tướng thành lập sẽ điều tra với các vụ tai nạn có người chết hoặc bị thương nặng, máy bay bị mất tích hoặc không thể tiếp cận được.  

Theo Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay của Bộ Giao thông, Cục Hàng không tổ chức điều tra hoặc phân cấp công tác điều tra sự cố hàng không nhưng không thuộc phạm vi điều tra của Ủy ban điều tra. 

Nhiều quốc gia tham gia điều tra sự cố hàng không

Theo Nghị định 75/2007/NĐ-CP, Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay hoặc cơ quan điều tra sự cố có quyền trưng dụng người có đủ năng lực, trình độ của các tổ chức của Việt Nam để phục vụ công tác này, như người khai thác tàu bay; cơ sở không lưu; cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng; tổ chức xã hội nghề nghiệp về hàng không.

Nghị định cũng cho phép đại diện các quốc gia đăng ký máy bay, khai thác, thiết kế, sản xuất được phép tham gia điều tra với sự kiểm soát của cơ quan chức năng của Việt Nam. Những người này được đến hiện trường, kiểm tra các mảnh vỡ của máy bay, được biết các thông tin về lời khai của nhân chứng, được biết về các chứng cứ, trình bày quan điểm về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau...

Khi điều tra sự cố, cơ quan điều tra phải giải mã thông tin trong các máy tự ghi lắp đặt trên tàu bay. Việc chọn cơ sở giải mã thông tin của máy tự ghi phải đáp ứng các yêu cầu như mức độ khách quan và chính xác của đơn vị, người tiến hành giải mã. 

Trong 30 ngày kể từ khi xảy ra sự cố, Bộ Giao thông vận tải gửi bản báo cáo sơ bộ cho các quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan là quốc gia đăng ký tàu bay, quốc gia khai thác, quốc gia thiết kế và quốc gia sản xuất. 

Chuyến bay VJ356 của hãng hàng không Vietjet từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột gặp sự cố lúc 23h03 ngày 29.11. Khi hạ cánh, hai bánh trước văng ra khiến càng chà xát xuống đường băng. 

Từ ngày 3/12, tổ điều tra của Cục Hàng không sẽ giải mã, phân tích hộp đen của máy bay cùng với các chuyên gia của Airbus. Nhà chức trách hàng không châu Âu đã cử đại diện phối hợp điều tra sự cố này.