“Chảo lửa” Bukit Jalil luôn luôn là địa ngục với bất cứ đội khách nào viếng thăm tại đây. Trước lượt đấu cuối cùng của bảng A, đội tuyển Myanmar đang giành ngôi nhất bảng và họ từng tuyên bố sẽ dập tắt chảo lửa này của đội chủ nhà Malaysia. Rốt cục, thầy trò HLV Antoine Hey đã không thể vượt qua được sự cuồng nhiệt và những tiếng ồn ào được tạo ra bởi hơn 80.000 CĐV áo vàng-đen. Họ thua 0-3 và rời giải ngay từ vòng bảng.
Tuy nhiên, đến trận bán kết gặp ĐT Thái Lan – đội bóng số một khu vực, mặc dù lượng khán giả đến sân đã tiệm cận đến con số 9 vạn, nhưng đội chủ nhà Malaysia đã không thể tận dụng lợi thế này để giành chiến thắng. Sự vô duyên của các chân sút như Talaha, Sumareh gây hại cho “Harimau Malaya” khiến họ không thể đưa bóng vào lưới người Thái, qua đó chấp nhận hòa không bàn thắng.
Malaysia (áo vàng) khó lòng gây bất ngờ trước Thái Lan.
Còn đối với Philippines, mặc dù SVĐ Panaad có sức chứa chỉ bằng 1/10 so với Bukit Jalil, nhưng ĐT Philippines cũng đã giành lấy bốn điểm quan trọng tại nơi đây trước Singapore và Thái Lan, giúp “The Azkals” vượt qua bảng B với vị trí thứ nhì chỉ sau ứng cử viên số một Thái Lan.
Nhưng vào đến bán kết, sự vắng mặt của những trụ cột quan trọng vì phải về với CLB chủ quản tại các giải châu Âu, đã làm suy yếu ĐT Philippines. HLV Sven-Göran Eriksson chỉ còn trong tay 18 thành viên khi đối đầu với ĐT Việt Nam tại Bacolod. Và sự lép vé này khiến họ không thể làm gì trước một ĐT Việt Nam già dơ hơn, kinh nghiệm hơn. “The Azkals” chịu thất bại với tỉ số 1-2.
Vậy cơ hội nào để họ có thể “tạo nên bất ngờ” ở hai chảo lửa Rajamangala và Mỹ Đình trong trận lượt về? Mặc dù theo nhận định của nhiều chuyên gia, cũng như đa số người xem trung lập, thì không có cơ hội nào cho Malaysia lẫn Philippines. Nhưng, như phần đầu của bài viết đã đề cập, thì không gì là không thể xảy ra trong bóng đá. Đội được đánh giá mạnh hơn, có nhiều lợi thế hơn chưa chắc đã là những kẻ giành vinh quang sau cùng!
Với cặp đấu đầu tiên, tỉ số 0-0 sau trận lượt đi là một tỉ số mở cho cả hai đội. ĐT Thái Lan có thể phần nào mỉm cười, nhưng có lẽ họ chớ nên vội mừng! Vì luật bàn thắng sân khách đã được áp dụng ở AFF Cup, nên chỉ cần ĐT Malaysia hòa có bàn thắng ở Rajamangala là mọi chuyện sẽ hoàn toàn thay đổi. Sau trận lượt đi, ai cũng thấy ĐT Thái Lan đã không còn thực sự “ngáo ộp” như xưa, với việc họ lép vế về mọi thứ trước người Mã.
Lối đá phòng ngự – phản công rất có thể được HLV Tan Cheng Hoe áp dụng. Vị trí hai biên của người Thái xuyên suốt cả giải đã có những vấn đề nhất định. Khi đó, đối phương có thể tận dụng những pha phối hợp ở hai hành lang, rồi chuyền vào trong để đồng đội ghi bàn. Và nếu Malaysia tận dụng tốt điều này, họ hoàn toàn có thể làm nên địa chấn của giải đấu và mơ mộng về trận chung kết sau bốn năm!
Cặp đấu còn lại, ĐT Việt Nam đã tạo nên lợi thế quá lớn sau trận lượt đi. Nhưng không có nghĩa là 100% tấm vé vào chung kết đã về tay thầy trò HLV Park Hang-seo. Nên nhớ rằng cách đây bốn năm, cũng ở một hoàn cảnh tương tự, ĐT Việt Nam lúc đó đang được HLV Toshiya Miura dẫn dắt. Họ giành chiến thắng 2-1 trước chính Malaysia ở trận lượt đi. Thế nhưng lượt về tại Mỹ Đình, sai lầm khó hiểu của hàng thủ đã khiến “Golden Dragons” ngã ngựa giữa cơn mơ với trận thua 2-4, qua đó thất bại chung cuộc với tỉ số 4-5.
Nói như vậy để thấy, “chảo lửa” Mỹ Đình thực sự là một điềm không may của ĐT Việt Nam. Tính từ khi thể thức lượt đi – lượt về áp dụng ở giải Đông Nam Á từ năm 2004, thì ĐT Việt Nam chưa giành được thắng lợi nào ở Mỹ Đình trong các trận bán kết và chung kết. Năm 2008, ĐT Việt Nam lên ngôi vương cũng nhờ hai chiến thắng trên sân khách trước Singapore và Thái Lan. Họ chỉ có hai trận hòa ở Mỹ Đình.
Và trong một bài viết gần đây của FOX Sports Việt Nam, thì Philippines cũng đang rất cần một “Phép màu tại Hà Nội” lần thứ hai để có thể làm nên lịch sử, lọt vào trận chung kết khu vực lần đầu tiên. Dẫu sao, chắc chắn không một CĐV Việt Nam nào, cũng như người viết mong muốn điều này xảy ra!