Dân Việt

Cách chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên cuối năm 2018 chu đáo nhất

P.V 05/12/2018 10:52 GMT+7
Với văn hóa người Việt Nam, bao đời nay bữa cơm tất niên luôn mang rất nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là bữa cơm để báo cáo với gia tiên một năm bình an, hạnh phúc đã qua, cầu chúc một năm mới đến mà còn là dịp để cả nhà quây quần đầm ấm bên nhau.

Ai cũng mong muốn bữa cơm tất niên được chuẩn bị một cách chu đáo nhưng chuẩn bị như thế nào, gồm những gì là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm.

Chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên cuối năm 2018

Cúng tất niên là một tín ngưỡng mang tính chất truyền thống của người dân Việt Nam, được thực hiện sau lễ cúng ông táo và trước lễ cúng giao thừa. Thông thường, lễ cúng tất niên được thực hiện vào chiều 30 tết. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình chọn sắp xếp làm mâm cơm cúng sớm hơn từ 27, 28 hay 29 để có thể luân phiên đến chơi nhà nhau hoặc có thời gian cho những kế hoạch khác.

img

Dù không quá cầu kỳ nhưng mâm cơm cúng tất niên cuối năm vẫn được các gia đình chuẩn bị một cách chu đáo bởi sự thành tâm xuất phát từ mong muốn cảm ơn gia tiên và trời đất đã giúp mang đến cho gia đình một năm cũ no đủ, hạnh phúc.

Bữa cơm tất niên được chuẩn bị thịnh soạn và đa dạng các món ăn theo tập tục từng vùng miền. Tuy nhiên, điểm chung của mâm cúng ngày cuối năm sẽ bao gồm mâm hoa quả và mâm cơm mặn hoặc chay.

img

Mâm quả được chọn với màu sắc tươi tắn gồm những loại quả quen thuộc. Đặc biệt phải chọn là mâm quả tươi, chín vừa không nên chọn quả đang còn xanh hay các mâm ngũ quả bằng nhựa. Ngoài quả còn chuẩn bị thêm bình hoa tươi tắn, không phải hoa giấy hay cành vàng lá ngọc.

Trong mâm cơm cúng tất niên của người miền Nam không thể thiếu những món đặc trưng như thịt kho tàu, nem.. thì người Bắc hầu như không thể thiếu bát canh măng chân giò đặc trưng vị Tết. Mâm cơm của người miền Trung thường có thêm bánh Tét, gà bóp nộm, thịt lợn luộc…

img

Dù mỗi một vùng miền có những nét văn hóa, tập tục khác nhau nhưng việc chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên vừa để đón ông Táo về trần gian, mời ông bà tổ tiên về sum vầy cùng con cháu trước thềm năm mới là một nét văn hóa vô cùng đẹp.

Mỗi một gia đình sẽ có cách bài trí mâm cúng khác nhau, nhưng mâm cúng thường được gia chủ đặt thành 2 tầng khác nhau theo tục lệ. Tầng trên là bàn thờ chính chỉ đặt hoa, mâm ngũ quả hoặc thêm xôi, chè, bánh chưng và thêm một ít tiền vàng mang tính chất tượng trưng. Còn tầng dưới là mâm cơm cúng mặn hay chay sẽ được bày trên một chiếc bàn nhỏ hơn phía dưới.

img

Sau khi chuẩn bị hoàn tất các mâm cúng và bày biện xong, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà sẽ lên hương và đọc bài khấn cúng tất niên. Bài khấn tùy từng vùng miền và quan niệm của từng gia đình nhưng điểm chung đều là mời ông bà tổ tiên và các vị thần linh về ăn tết cùng gia đình và chứng giám cho lòng thành tâm của con cháu.

Cúng tất niên – lễ cúng sum vầy

Mâm cơm cúng tất niên cuối năm được làm để đón ông táo về hạ giới tiếp tục cai quản việc bếp núc trong gia đình, mời ông bà tổ tiên và các vị thần linh về nhận lời cảm ơn của con cháu cũng như thay cho sự tri ân đất trời về một năm thuận lợi đã qua, chuẩn bị đón một năm mới tốt đẹp hơn.

img

Ngoài mục đích trên, cơm cúng ngày cuối năm còn mang ý nghĩa văn hóa, thể hiện nét đẹp trong gia đình Việt, là thời gian để cả nhà quây quần bên nhau sau một năm bận rộn với công việc và cuộc sống. Sum vầy bên mâm cơm tất niên là dịp để anh em gặp gỡ trò chuyện, con cái có thời gian quây quần bên bố mẹ và gia đình. Ngoài ra, cũng là dịp để họ hàng cùng ngồi lại với nhau như một gia đình ấm áp.

Chuẩn bị một cái tết với trọn vẹn sự thành tâm sẽ là lời cầu mong một năm mới hạnh phúc và thịnh vượng. Để tìm hiểu thêm về các nội dung liên quan bạn có thể tham khảo thêm tại Đồ Cúng Tâm Linh Việt