Với chủ đề: “Dân chủ-Đoàn kết-Đổi mới-Hội nhập-Phát triển”, từ ngày 11.12 đến ngày 13.12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, số 57 đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 sẽ được tổ chức trọng thể.
Hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội VI
Theo bà Nguyễn Hồng Lý, dự đại hội có 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước. Điểm mới của đại hội lần này là có 180 đại biểu đại diện cho 53 dân tộc thiểu số. Lần đầu tiên có đủ đại diện 54 dân tộc góp mặt tại đại hội.
Bà Nguyễn Hồng Lý phát biểu tại họp báo. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Tại Đại hội, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI; Dự thảo báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân khóa VI; dự thảo Đề án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023; Dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (bổ sung, sửa đổi). Đại hội cũng sẽ tiến hành bầu ra Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023.
Về kết quả công tác Hội và phong trào nông dân, nhiệm kỳ 2013-2018, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, sát cơ sở; tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân, đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Đại hội VI, nhiệm kỳ 2013-2018.
Theo đó, trong nhiệm kỳ 2013-2018, Hội đã kết nạp được hơn 2.191.000 hội viên, tổng số hội viên của cả nước hiện nay là hơn 10.192.000. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã xây dựng được 993 chi hội nghề nghiệp, 7026 tổ hội nghề nghiệp. Số cơ sở Hội, chi hội khá, vững mạnh đạt 95,5%, vượt chỉ tiêu Đại hội VI đề ra.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước tặng thưởng 17 Huân chương Độc lập, 200 Huân chương Lao động các hạng; Chính phủ tặng 62 Cờ thi đua cho các tập thể; Thủ tướng Chính phủ tặng 911 Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của Hội và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tặng 163 Cờ thi đua cho các tập thể, 6.049 Bằng khen, 38.032 Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam” cho tập thể và cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân.
Tổ chức được 419.999 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 25 triệu lượt hội viên, nông dân; xây dựng 62.048 mô hình, trong đó: gần 19.450 mô hình trồng trọt, gần 9.542 mô hình chăn nuôi, trên 4.487 mô hình nuôi trồng thủy, hải sản, gần 1.500 mô hình chế biến, trên 530 mô hình khuyến công, với gần 6,32 triệu lượt hội viên, nông dân tham gia.
Các cấp Hội đã tích cực phối hợp tổ chức được 240.594 cuộc tuyên truyền cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; tổ chức được 14.691 lớp tập huấn cho 847.600 lượt cán bộ, hội viên, nông dân, cán bộ, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã về kiến thức kinh tế hợp tác; hướng dẫn thành lập 1.135 hợp tác xã và 101.000 tổ hợp tác.
Phối hợp, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bảo lãnh, trợ giá, lãi suất ngân hàng... cung cấp phân bón, cây giống, con giống trả chậm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý trị giá trên 6.832,8 tỷ đồng; cung cấp, chuyển giao 2.079 máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm giúp nông dân phát triển sản xuất.
Nguồn vốn từ phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng mạnh. Dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội đến hết năm 2017 đạt 95.534 tỷ đồng, tăng 44.248 tỷ đồng so với năm 2012, bình quân tăng 10%/năm, giúp 2,807 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp nông dân vay hơn 100.000 tỷ đồng.
Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững bình quân hằng năm có 6,5 triệu hộ hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, trong đó có có 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp”, đạt 113,2% so với chỉ tiêu Đại hội VI đã đề ra. Qua phong trào đã giúp 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động; giúp hơn 100.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có và giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.
Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nông dân đã tự nguyện đóng góp trên 17.000 tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công, hiến gần 37 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 480.000 km kênh mương nội đồng và 1.570.000 km đường giao thông nông thôn, xóa 29.441 nhà tạm.
Nâng cao đời sống nông dân, nhiệm vụ hàng đầu
Về phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2018 - 2023, theo bà Lý, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, biến đổi khí hậu khó lường, để giúp nông dân vượt qua khó khăn, thách thức, Hội Nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, xây dựng một thế hệ nông dân mới, có trình độ, có tri thức.
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII tiếp tục xác định nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ hàng đầu. Ảnh: I.T.
Theo đó, có 14 chỉ tiêu thi đua trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023. Cụ thể:
Phấn đấu 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam.100% chi Hội có Báo Nông thôn ngày nay; ít nhất 60% hội viên được truy cập Internet.
Kết nạp ít nhất 1.200.000 hội viên mới trở lên.Cơ sở Hội khá và vững mạnh đạt trên 85%, không có cơ sở Hội yếu kém.
Phấn đấu 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; ít nhất 30% cán bộ chuyên trách Hội Nông dân cấp huyện trở lên biết sử dụng 01 ngoại ngữ trong giao tiếpvà 100% Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã biên giới biết sử dụng ngôn ngữ nước láng giềng.100% Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã có trình độ Trung cấp lý luận chính trị, Trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên;100% cán bộ chi Hội, tổ Hội được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, phương pháp công tác Hội.
100% chi Hội xây dựng được Quỹ hoạt động của Hội và phấn đấu mỗi cơ sở Hội ở các địa phương chưa thoát nghèo có Quỹ hoạt động Hội từ 50 triệu đồng trở lên và ở địa phương đã thoát nghèocó Quỹ hoạt động từ 100 triệu đồng trở lên.
Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu Sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Hằng năm có 100% Hội Nông dân cấp tỉnh và huyệntổ chức được cuộc đối thoại giữa chính quyền với nông dân.
Phấn đấu 100% Hội Nông dân các cấp tổ chức được hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân bình quân 10%/năm trở lên. Có 100% các cấp Hội sử dụng có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Phấn đấu 85% hội viên Hội Nông dân trở lên được tiếp cận kiến thức cần thiết về kỹ năng, thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật- công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
100% Hội Nông dân cấp xã chủ trì, tư vấn, hỗ trợ xây dựng được ít nhất 01 Tổ hợp tác hoặc 01 Hợp tác xã trở lên để liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có hiệu quả theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập của nông dân và kết nối thị trường thành công.
100% cơ sở Hội làm tốt công tác vận động hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và xây dựng ít nhất 01 mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
100% hộ hội viên Hội Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sảnthực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩmvà có trên 60% hộ đăng ký được công nhận.
100% hội viên tham gia bảo hiểm y tế và 100% các cấp Hội làm tốt công tác vận động nông dân thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.
Ít nhất 85% hội viên Hội Nông dân được phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; 100% tỉnh, thành Hội tổ chức được cho cán bộ, hội viên, nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở trong nước hoặc ngoài nước. 100% cơ sở Hội xây dựng và duy trì được ít nhất từ 01 mô hình tự quản về an ninh, trật tự trở lên.
Cũng theo Ban Tổ chức, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII còn có các hoạt động bên lề như: Hội thảo và lễ ký thỏa thuận hợp tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản xuất khẩu; tôn vinh 53 nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.