"Ngày mới cưới nhau, vợ chồng Sùng A Nu nghèo lắm. Vậy mà chỉ mới hơn chục năm, giờ chúng nó đã giàu nhất nhì xã Phình Hồ này rồi đấy!" - chúng tôi gặp ông cụ ở đầu bản Phình Hồ (xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) khoe về triệu phú của bản mình.
Sinh ra trong một gia đình đông con, Sùng A Nu thấm thía cái cảnh "chạy ăn từng bữa", vụ mùa mới thu hoạch mà cót bồ đã rỗng.
Sùng A Nu cùng vợ thu hoạch chè Shan-tuyết. |
Đẻ ít để làm giàu
Cậu bé Nu thời niên thiếu rất chật vật mới theo học được cái chữ và là một trong số hiếm hoi những thanh niên địa phương hồi đó tốt nghiệp cấp III. Lập gia đình năm 1996, được cha mẹ cho ở riêng, hai vợ chồng thống nhất với nhau chỉ đẻ đúng tiêu chuẩn 2 con để còn dành thời gian làm giàu.
A Nu kể: "Nếu chỉ trông vào hơn 2.000m2 đất ruộng thì chắc chắn sẽ thiếu đói. Vợ chồng tôi đã khai hoang những bãi đất trống ở giáp chân núi thành ruộng bậc thang vừa để cấy lúa, trồng ngô, sắn làm thức ăn chăn nuôi vừa trồng chè Shan-tuyết. Thời gian đầu nhiều khi cảm thấy kiệt sức, nhưng nghĩ đến tương lai các con, mình lại gắng".
Đã có diện tích đủ canh tác, nhưng muốn cây trồng năng suất cao phải áp dụng khoa học kỹ thuật. A Nu đạp xe ra xã, xuống huyện tìm cán bộ khuyến nông để học hỏi kiến thức về giống, phân bón; triệu chứng sâu bệnh, cách phòng ngừa; cách thức làm chuồng trại, chăm sóc vật nuôi... Những buổi tập huấn khuyến nông tại bản không khi nào vắng mặt vợ chồng anh.
Công sức bỏ ra không uổng, năng suất lúa, ngô của nhà A Nu luôn cao nhất bản. Hơn 1ha chè Shan-tuyết nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật cũng đem về cho vợ chồng anh gần chục triệu ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên. Thành quả từ đàn trâu, bò, dê gần 40 con, vài chục con lợn thịt, hàng trăm con gà, vịt cũng cho gia đình anh nguồn thu đáng kể mỗi năm.
Khép kín nông nghiệp - dịch vụ-du lịch
"Mất khoảng 5 năm đầu chật vật nhưng sau đó kinh tế dần ổn định, vợ chồng tôi đã có điều kiện để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng làm sao để kinh tế của mình vượt hẳn lên? Tôi nghĩ ngay đến câu nói của một cán bộ khuyến nông rằng: Nông điền phải gắn liền với dịch vụ thì kinh tế mới nhanh khấm khá, vậy là tôi bàn với vợ mở cửa hàng"- A Nu nhớ lại.
Không chọn cách đi vay, hai vợ chồng huy động vốn bằng cách sau mỗi vụ thu hoạch chỉ để lại một lượng lương thực vừa đủ ăn trong năm, còn lại bán lấy tiền làm vốn. “Sau 4 năm, khi đã có số vốn kha khá tôi mới mở cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu mắm, muối, xăng dầu, đèn pin, bánh kẹo, giày dép, vải thổ cẩm... phục vụ bà con địa phương” anh chia sẻ.
Tính đến thời điểm đầu năm 2013, thu nhập bình quân của gia đình A Nu không dưới 150 triệu đồng/năm. Vợ chồng A Nu bảo, tài sản của hai vợ chồng đâu chỉ là ngôi nhà khang trang với những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền cùng những nương ruộng ngô, lúa cho năng suất cao, khu tổ hợp chăn nuôi "ấm đông, mát hè" được không ít hộ học làm theo, khu dịch vụ buôn bán quy mô nhất xã, mà hơn cả đó là các con đều chăm ngoan, học giỏi, gia đình hạnh phúc.
Mới đây A Nu còn được bà con tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội ND xã. A Nu chia sẻ, mong ước lớn nhất của anh trong năm Quý Tỵ này là cùng với chính quyền xã hoàn thiện được kế hoạch mở rộng hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn xã. "Từ kinh nghiệm của gia đình mình, tôi thấy, nếu nông điền gắn với dịch vụ du lịch thì kinh tế mới nhanh phát triển. Phình Hồ có đặc sản chè Shan-tuyết, có phong cảnh thiên nhiên hữu tình và rất nhiều đoàn khách đã đến đây, đó chính tiềm năng cần khai thác" - A Nu tâm đắc.
Phúc Minh