Ngôi nhà mái bằng của anh Lê Minh Hiến (thôn Bình Yên, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái) tọa lạc trên ngọn đồi bát ngát trồng cam Canh. Những ngày giáp tết, đường vào nhà anh tấp nập hơn, người vào mua cam, người vào hỏi kinh nghiệm trồng cam của anh.
Năm 1992, anh Hiến xuất ngũ về quê, lấy vợ và sinh đôi 2 cậu con trai. Sau đó anh đi thực tế ở Hưng Yên, Hà Nội tìm hiểu mô hình trồng cam. Ngay sau chuyến đi, anh đã mua cây giống về trồng. Không ngờ, kết quả vườn cam hơn 100 gốc cho quả ngọt, thu nhập khá.
Anh Lê Minh Hiến bên vườn cam trĩu quả. |
Không dừng lại ở đây, anh tiếp tục tìm tới Trung tâm Khuyến nông huyện Trấn Yên học kỹ thuật trồng và nhân giống cam Canh. “Tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích hơn 2ha chè trên đồi sang trồng cam Canh”- anh kể. Đất không phụ công người, sau bao nhiêu khó khăn đồi cam của anh đã cho những mùa quả ngọt. Anh cho biết, so với trồng chè, cam Canh cho hiệu quả gấp 3-4 lần, mà đầu tư thấp.
Mỗi ha cam chi phí khoảng 30-40 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Với giá bán buôn ngay tại vườn từ 27.000-30.000 đồng/kg, anh Hiến dự tính sẽ thu tiền tỷ trong vụ cam này. "Cây nhiều cho gần 2 tạ, cây ít cũng hơn 1 tạ quả. Từ đầu mùa tới giờ, tới đã ban hơn 4 tấn cam, trị giá khoảng 120 triệu đồng"- anh Hiến nói.
Đồi cam hơn 2ha, nhưng chỉ vào thời kỳ thu hoạch anh mới thuê nhân công. Với anh Hiến, người trồng cam phải có lương tâm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. “Thay vì dùng thuốc trừ sâu, tôi đã làm hơn 100 chiếc đèn để diệt ruồi, bọ bảo vệ cam" - anh Hiến cho hay.
Minh Nguyệt