Một sân khấu rực sáng với hàng trăm cây tre làm đạo cụ, trong tiếng nhạc dân gian réo rắt của ba miền.
"Làng tôi" là tác phẩm xiếc của đạo diễn Nguyễn Nhất Lý. Sinh ra ở Pháp, 3 tuổi anh cùng gia đình quay trở lại Việt Nam để xây dựng Tổ quốc với tình yêu nước nhiệt thành của thân phụ anh. Sau khi tốt nghiệp trường xiếc ở Việt Nam, 1985 anh trở lại Pháp và tiếp tục theo học trường nhạc. Sau 20 năm sinh sống tại Pháp, anh quyết định về nước lập nghiệp.
Năm 2009 vở diễn đã được ra đời với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ xiếc trên nền sân khấu lớn. Đạo cụ là những thanh tre giản dị, nón, dải lụa, xe đạp… Vở diễn được thực hiện dưới ánh sáng và âm nhạc dân gian ba miền nhằm tái hiện cuộc sống nông thôn Việt Nam. Trên nền nhạc, kèm theo những tiếng tre gõ lách cách là sinh hoạt làng xã của nông thôn Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Đó là những nghệ sĩ xiếc mặc quần áo nâu sồng kiểu Bắc Bộ biểu diễn các động tác uốn dẻo, nhảy cầu, thực hiện các vũ điệu xiếc với những thanh tre. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu có một vở diễn xiếc lớn như vậy nhằm thể hiện văn hóa Việt qua cây tre.
Đạo diễn Nhất Lý tâm sự rằng, khi dàn dựng ở Hà Nội diễn viên bao gồm hơn 100 nghệ sĩ nhưng sau này khi lưu diễn nước ngoài chỉ còn 14 nghệ sĩ (vì điều kiện kinh tế, ra nước ngoài không thể đưa được nhiều người) do đó, khi lưu diễn ở nước ngoài anh để rất nhiều thân tre trên sân khấu tượng trưng cho nhân vật. Và cuối cùng vở diễn "Làng tôi" đã chu du Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Hongkong, Hungaria… Thông qua vở diễn, Nhất Lý gửi tới nhân dân thế giới thông điệp của "tâm hồn Việt, nông thôn Việt".
Khi biểu diễn ở nước ngoài, hầu hết khán giả quốc tế xem đều hiểu hết và cảm nhận những ý đồ của vở diễn". Chứng tỏ "Làng tôi" đã đi tới tâm hồn của họ không cần qua ngôn ngữ.
Cảnh trong vở xiếc "Làng tôi". |
Nguyễn Thiên Việt