Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng của ngành nông nghiệp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trên thế giới hiện có 172 quốc gia áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 43,7 triệu ha, 87 quốc gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm hữu cơ.
Ở Việt Nam đã có 30 tỉnh, thành phố sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Chủ yếu là các mô hình sản xuất doanh nghiệp tư nhân và các nhóm hộ nông dân.
Để góp phần phát triển nhanh và định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sáng 6.12, tại TP.HCM, Hội Khoa học đất Việt Nam (Hội KHĐVN) tổ chức Hội thảo “Đất, phân bón và nông nghiệp hữu cơ”.
Ở Tây Nguyên, vùng trồng cây công nghiệp lớn nhất cả nước cũng có tới trên 35% đất canh tác đang bị thoái hóa. Ảnh: HQ
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội KHĐVN cho biết, do áp lực dân số gia tăng và các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì hóa học hóa nông nghiệp với việc sử dụng ngày càng nhiều phân khoáng, thuốc BVTV cùng với các giống cây trồng mới, năng suất không ngừng tăng lên nhưng chất lượng sản phẩm nông nghiệp lại giảm. Thực phẩm thiếu an toàn, ô nhiễm đất canh tác, nguồn nước tưới trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia đe dọa đến cuộc sống bình thường của con người.
Theo Hội KHĐVN, đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta là hơn 11,5 triệu ha (2016), trong đó đất trồng lúa là 4,13 triệu ha. Đất trồng cây hàng năm 2,85 triệu ha, đất trồng cây lâu năm 4,53 triệu ha. Nhiều diện tích trồng lúa, cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu, đất trồng cây ăn quả đã và đang bị thoái hóa, suy giảm độ phì, suy giảm chất hữu cơ trong đất hoặc tích lũy các chất gây ô nhiễm đất.
Phần lớn đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta thiếu chất hữu cơ trong đất hoặc mất cân bằng dinh dưỡng do kỹ thuật canh tác không hợp lý dẫn đến lý hóa tính của đất và các hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng bị suy giảm, đất bị thoái hóa làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cũng theo Hội KHĐVN, nhu cầu tiêu dùng các nông sản hữu cơ, phát triển nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường trong đó có đất đai, nguồn nước…là rất cần thiết.
PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội KHĐVN phát biểu tại Hội thảo sáng 6.2. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ có rất nhiều yếu tố, nhưng đất và phân bón là 2 yếu tố vô cùng quan trọng đóng góp vào thành công của một vùng hay những cây trồng chính trong sản xuất hữu cơ.
Về đất để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, PGS.TS Vũ Năng Dũng cho biết: “Không phải đất nào cũng trồng được các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, do đất trồng trọt trong quá trình canh tác đã bón nhiều phân khoáng, phân hữu cơ do chăn nuôi công nghiệp cung cấp, các loại thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ…lâu ngày các tồn dư của các chất này tích lũy trong đất. Muốn chuyển sang canh tác hữu cơ cần có thời gian “làm sạch” đất theo tiêu chuẩn nhất định, vì vậy cần phải có quy hoạch thành vùng đất cho các loại cây trồng sản xuất hữu cơ”.
Cũng theo ông Dũng, muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay theo hướng hữu cơ, đối với chọn đất trồng và quy trình bón phân cần hết sức được chú trọng, có vùng phải sau một sô xử lý về đất canh tác và kỹ thuật bón phân mới có thể đưa vào vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Được biết, kết thúc Hội thảo, Hội KHĐVN sẽ có bản kiến nghị đến lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là trong lĩnh vực đất và phân bón là 2 yếu tố rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.