Dân Việt

Loạn thế Tam quốc: Tôn Kiên - Một tay gây dựng cơ đồ

PV 07/12/2018 10:33 GMT+7
Loạn thế Tam Quốc đã đẩy vô số anh hùng hào kiệt bước lên vũ đài lịch sử. Tôn Kiên chính là một người như thế.

Đông Ngô là triều đại tồn tại lâu nhất thời kỳ Tam Quốc với sáu đời truyền thừa. Tuy nhiên, thời thịnh trị của Đông Ngô chỉ tồn tại với “Giang Đông tam thế” – gồm ba đời Ngô chủ Tôn Kiên, Tôn Sách, Tôn Quyền. Trong đó, Tôn Kiên gây dựng danh tiếng, tạo lập bộ khúc; Tôn Sách phát triển quân đội, chinh phục đất đai; Tôn Quyền mở mang bờ cõi, an nội đối ngoại. Hậu thế nhớ về Giang Đông cũng chủ yếu là nhắc đến tên ba người này.

img

Tạo hình điện ảnh của Tôn Kiên.

Nếu xem Đông Ngô là một cây đại thụ, thì phần rễ hẳn phải là Tôn Kiên, Tôn Sách xem như thân cành, Tôn Quyền chính là tán lá. Số lần xuất hiện của Tôn Kiên trong Tam Quốc Diễn Nghĩa không nhiều, khiến người đời thường chỉ nhớ đến một Tiểu Bá Vương Tôn Sách đầy oai dũng, hoặc câu nói Tào Tháo tán thưởng Tôn Quyền“sinh con phải như Tôn Trọng Mưu”. Nhưng nếu không có rễ sâu gốc vững, sao có được thân mạnh cành dai, sao có được tán lá sum suê tươi tốt?

Bởi quân công mà thăng tiến

Tam Quốc là một thời đại phi thường với nhiều con người phi thường. Ở đó, có những con người mà nếu họ sinh vào thịnh thế thì có lẽ sẽ chỉ bình bình an an qua hết một đời. Chính loạn thế Tam Quốc đã đẩy vô số anh hùng hào kiệt bước lên vũ đài lịch sử. Vô số người đã được trao cơ hội, từng bước đi lên. Tôn Kiên chính là một người như thế.

Tôn Kiên xuất hiện lần đầu tiên trong Tam Quốc Diễn Nghĩa với tư cách là Thái thú Trường Sa, một trong mười tám lộ chư hầu phạt Đổng. La Quán Trung lược bỏ phần xuất thân của Tôn Kiên, đồng nghĩa với việc làm thiếu đi một cá tính rất mạnh của giai đoạn tiền kỳ Tam Quốc.

Trong bộ sử Tam Quốc Chí, tổ tiên của Tôn Kiên không được ghi chép rõ ràng, “hậu duệ của Tôn Vũ” chỉ là giả thuyết chưa được chứng thực, nhưng có thể nói Tôn gia ở Ngô quận là thế tộc được truyền thừa, được “nối đời làm quan”. Nhờ xuất phát điểm này, năm mười bảy tuổi, Kiên đã là huyện lại, bắt đầu một hành trình đầy táo bạo của một vị bá chủ tương lai.

Nếu không có loạn lạc thời Hán mạt, có lẽ Tôn Văn Đài cũng chỉ như bao cậu ấm được thế tập bổng lộc của cha ông. Nhưng giặc cướp nổi lên liên miên khiến dân tình khốn khổ lại kích thích đấu chí của quân nhân trẻ tuổi ấy, cũng là thời cơ khó có để tạo dựng uy vọng và tìm kiếm cơ hội.

Chiến công đầu tiên của Tôn Kiên là dám lớn gan một thân một mình đối mặt với hải tặc sông Tiền Đường, “cầm đao lên bờ, đưa tay trỏ đông chỉ tây như đang bố trí quân binh chăng lưới quây chặn bọn cướp”, khiến giặc “từ xa thấy, cho là quan quân đến bắt chúng, liền vứt bỏ tài vật tẩu tán”. Kiên lại “đuổi theo, chém được một thủ cấp đem về”.

Nhờ chiến công độc đáo “lấy một hù trăm” này, Tôn Kiên nổi danh, được “phủ quan triệu gọi cho làm Giả úy”. Chiến tích này tuy nhỏ nhưng lại là khởi đầu cho vô số quân công tiếp theo của Tôn Kiên, cũng đồng thời xác lập nên nét tính cách táo bạo, khích liệt và ưa mạo hiểm của không chỉ Tôn Kiên mà cả Tôn gia sau này.

Một năm sau, Tôn Kiên được thăng làm huyện thừa. Lần này là vì ở Cối Kê có “yêu tặc tên là Hứa Xương” nổi dậy xưng đế, “khuấy động các huyện”, “tụ chúng đến vạn người”. Tôn Kiên bèn “lấy thân phận Tư mã của quận chiêu mộ quân tinh dũng, được hơn nghìn người, cùng châu quận hợp binh đánh dẹp phá chúng”. Bởi trận chiến “lấy nghìn chống vạn” này, Kiên từ một võ quan không chính thức (Giả úy, tức là Đô úy tạm thời) đã được thăng làm quan văn cao cấp phụ trách hành chính địa phương (“huyện thừa”, chỉ đứng sau “huyện lệnh”).

Nhờ nghĩa khí được dân yêu

“Thái thú mà không truyền đức tốt, lấy chinh phạt lập công lao, vượt địa giới của mình ra đánh dẹp, để bảo toàn cho quận khác; ví như vì thế bị bắt tội, chẳng thẹn với người trong nước lắm sao?”

Tôn Kiên làm quan văn đến hơn mười năm, qua ba huyện, kết quả có thể nói là hoàn toàn không tệ. “Giang Biểu truyện” chép: “Kiên trải chức phó ở ba huyện, ở đâu cũng được khen, quan dân thân gần nương dựa. Những người quen cũ cùng quê quán, những người nhỏ tuổi ham thích lập nghiệp, qua lại thường có mấy trăm người, Kiên tiếp đón, phủ dụ, đối đãi xem như con em mình”. Miêu tả này cho thấy Tôn Kiên không chỉ can đảm, vũ dũng mà còn biết giao tế, biết kết minh, biết thu hút, biết phủ dụ.

Tại thời điểm này, Tôn Kiên đã có đủ các đặc điểm điển hình của một nhà lãnh đạo. Nhưng Tôn Kiên vẫn chưa phải là một bá chủ. Về mặt chức vụ, Tôn Kiên chỉ là lãnh đạo cấp huyện. Về mặt phẩm chất, Tôn Kiên còn thiếu một lý tưởng.

Nếu một nhà lãnh đạo không thể thiếu đi “mục tiêu”, thì một bá chủ lại càng không thể không có “lý tưởng”. Lý tưởng của Tôn Kiên, qua mấy năm mài giũa sau đó đã không còn bị giới hạn trong phạm vi quản hạt, cũng không dừng lại ở mức độ phủ dụ, giao tế.

Trong một câu chuyện được Ngô thư chép lại, Tôn Kiên lúc ấy đã là Thái thú Trường Sa, bổng lộc hai ngàn thạch, nhận được thư cầu cứu từ huyện Nghi Xuân, bèn chỉnh quân đi cứu. Viên chủ bộ bước ra can ngăn, Tôn Kiên lúc đó đã nói như thế này: Thái thú mà không truyền đức tốt, lấy chinh phạt lập công lao, vượt địa giới của mình ra đánh dẹp, để bảo toàn cho quận khác; ví như vì thế bị bắt tội, chẳng thẹn với người trong nước lắm sao?”

Đó là lúc một mục tiêu trở thành một lý tưởng, là lúc những hành động cao đẹp trở thành một ước muốn vĩ đại. “Che chở” và “bảo vệ” để “truyền đức tốt”, phóng mắt thiên hạ chứ không bị giới hạn bởi địa giới quản hạt, “lấy chinh phạt lập công lao”, cốt “không thẹn với lòng”, đó chính là lý tưởng của Tôn Kiên.

Khi một võ tướng lại có đầy đủ phẩm chất của một chính trị gia, khi một nhà lãnh đạo vừa có mục tiêu lại vừa có lý tưởng, nghĩa là một bá chủ kiệt xuất sắp ra đời.

Tôn Kiên từ một quân nhân gắn với binh nghiệp, trải qua chính vụ từ cấp cơ sở, đã tích lũy cho mình những phẩm chất cần thiết của một nhà lãnh đạo, dáng dấp của vị bá chủ Giang Đông sắp được hình thành. Loạn thế Hán mạt, Khăn Vàng nổi dậy, Lương Châu binh biến... là cơ hội cho anh hùng tỏa sáng, cho bá chủ chuyển mình. Tôn Kiên đã làm được những gì trong thời kỳ đó?