Những người bị truy tố gồm Trần Hải Sơn (53 tuổi), nguyên Tổng giám đốc công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines (VNL); Trần Văn Quang (36 tuổi), nguyên Trưởng phòng kế hoạch VNL; Trần Bá Hùng (34 tuổi), cán bộ công ty TNHH sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin (HVS); Phạm Bá Giáp (41 tuổi), Giám đốc công ty TNHH Nguyên Ân, về tội danh trên.
Sau ba tháng rưỡi bỏ trốn, bị can Dương Chí Dũng - nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải VN - đã bị bắt ngày 4.9.2012. |
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định các bị can đã tham ô số tiền hơn 3,3 tỉ đồng.
Kết luận điều tra nêu rõ, dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2007, trong đó có hạng mục ụ nổi 83M là thành phần chính của dự án.
Sau đó, HĐQT Vinalines phê duyệt chính thức với tổng mức đầu tư 6.489 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch HĐQT Vinalines đã phê duyệt dự án mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư hơn 14,1 triệu USD bao gồm chi phí mua ụ, vận chuyển và bảo hiểm từ nước ngoài về Việt Nam. Vinalines sau đó đã quyết định thành lập Ban quản lý dự án nhà máy, theo đó ông Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc Vinalines, bị can trong vụ án này đã được tách ra để điều tra trong vụ án khác) được giao làm Trưởng ban.
Quá trình triển khai dự án này, Tổng giám đốc Vinalines đã ký biên bản ghi nhớ mua ụ nổi 83M của công ty AP- Singapore với tổng trị giá 9 triệu USD. Do ụ nổi này là ụ nổi cũ, hư hỏng nặng nên trước khi đưa vào lắp đặt, Vinalines đã thuê HVS và một số đơn vị khác sửa chữa. Tháng 6-2008, khi Vinalines đưa ụ nổi về đến nhà máy của HVS, hai bên đã tổ chức khảo sát, lập thiết kế, dự toán phần việc giao cho nhà máy HVS sửa chữa có tổng trị giá 4,4 triệu USD.
Sau đó, Vinalines giao cho công ty VNL thực hiện giám sát hoạt động sửa chữa, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán với nhà máy HVS và các đơn vị khác liên quan đến việc sửa chữa ụ nổi 83M. Thực hiện ủy quyền này, VNL đã tổ chức quản lý sửa chữa, nghiệm thu, thanh quyết toán toàn bộ khối lượng sửa chữa ụ nổi 83M.
Tính đến thời điểm tháng 3-2010 đã chi trả hết 197 tỉ đồng, trong đó khối lượng sửa chữa do nhà máy HVS thực hiện hết hơn 6,1 triệu USD. Cơ quan điều tra xác định các bị can đã dùng pháp nhân của công ty TNHH Nguyên Ân thực hiện hành vi gửi giá, lập khống khối lượng sửa chữa tại 2 hợp đồng để rút tiền, chiếm hướng cả nhân tổng số hơn 3,3 tỉ đồng. Trong đó, Trần Hải Sơn chiếm hưởng 2,2 tỷ đồng; Trần Văn Quang chiếm hưởng 453 triệu đồng; Trần Bá Hùng chiếm hưởng 395 triệu đồng, còn Phạm Bá Giáp chiếm hưởng 178 triệu đồng.
Mở rộng điều tra về sai phạm liên quan đến việc mua ụ nổi 83M của công ty AP Singapore về Việt Nam của Vinalines và Ban quản lý dự án, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines; Trần Hải Sơn, Tổng giám đốc VNL và 7 bị can khác về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến việc lập, phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam mua, thanh quyết toán tiền và thông quan nhập khẩu ụ nổi từ Nga về Việt Nam.
Đây là vụ án phức tạp, có yếu tố nước ngoài, bị can chính là Dương Chí Dũng bỏ trốn; hành vi phạm tội liên quan đến nhiều đơn vị, cá nhân. Do đó, cơ quan điều tra đã tách hành vi “cố ý làm trái” của nhóm bị ban mua ụ nổi để điều tra, kết luận trong một vụ án riêng.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ của ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc công ty Thanh Long và ông Lê Văn triệu, Giám đốc công ty Vân Anh đến cơ quan điều tra hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh để điều tra làm rõ hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn.
Liên quan đến đường dây tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và bắt tạm giam hàng loạt bị can có liên quan để điều tra làm rõ, đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.