Trong buổi họp báo sau Hội nghị của Hội đồng Bộ trưởng OSCE ở Milan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 7.12 đã có tuyên bố cho biết, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe vừa đạt được thỏa thuận thúc đẩy đàm phán ký kết Hiệp ước Hòa bình trên cơ sở tuyên bố Xô-Nhật năm 1956.
Nga và Nhật Bản đồng ý đàm phán tích cực cho Hiệp ước Hòa bình.
"Tuyên bố này chỉ rõ Hiệp ước Hòa bình phải được ký trước khi tiến hành thảo luận bất cứ vấn đề gì đi nữa" - Ngoại trưởng Nga phát biểu.
"Chúng tôi nói với các đối tác Nhật Bản rằng đây là bước đầu tiên không thể không thể bỏ qua trong suốt tiến trình liên quan đến hiệp ước hòa bình, và chúng tôi hy vọng rằng bước đi này sẽ được thực hiện bởi nếu không sẽ chẳng còn gì khác để thảo luận" - ông Lavrov nói thêm.
Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý rằng "ký kết Hiệp ước Hòa bình có nghĩa là ít nhiều công nhận kết quả Chiến tranh thế giới thứ hai".
Hiệp ước Hòa bình giữa Nga và Nhật Bản đến nay chưa được ký kết do những khác biệt cơ bản về quan điểm của cả hai nước khi phân chia lãnh thổ Phát-xít Nhật sau Chiến tranh thế giới II và bất đồng về ý nghĩa của các thỏa thuận Yalta (02.1945), Tuyên bố Potsdam (7.1945) và Hiệp ước San Francisco (9.1951).
Trong Hiệp định Yalta được Mỹ, Anh và Liên Xô ký kết, hai hoặc ba tháng sau khi Đức đã đầu hàng và chiến tranh ở châu Âu bị chấm dứt, Liên Xô sẽ tham gia vào cuộc chiến chống lại Nhật Bản về phía Đồng minh với điều kiện: Các quyền trước đây của Nga xâm phạm bởi các tấn công nguy hiểm của Nhật Bản vào năm 1904 sẽ được phục hồi, đó là các phần phía nam của đảo Sakhalin cũng như các đảo lân cận nó được trả lại cho Liên Xô; Quần đảo Kuril sẽ được bàn giao cho Liên Xô.
Phía Nhật Bản và Mỹ tuyên bố rằng, thỏa thuận Yalta đã không áp dụng đối với Vùng lãnh thổ phương Bắc, vì một số đảo mà Nhật mong muốn không phải là một phần của Quần đảo Kuril.
Tuyên bố Potsdam nói đến lãnh thổ của Nhật Bản rằng: "...chủ quyền của Nhật Bản được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ theo Tuyên bố Cairo năm 1943". Các đảo nhỏ của Vùng lãnh thổ phương Bắc/Kuril lại không được nêu rõ ràng trong danh sách này.
Tuyên bố Cairo năm 1943 đã không đề cập rõ đến quần đảo Kuril mà chỉ nói: "Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ khác mà họ đã có được bởi bạo lực và lòng tham".
Còn Hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký và thông giữa các lực lượng thuộc phe Đồng minh (còn Liên Xô từ chối ký Hiệp ước) thì Nhật Bản phải từ bỏ tất cả tuyên bố chủ quyền trên Quần đảo Kuril, nhưng cũng không công nhận chủ quyền của Liên Xô trên quần đảo.
Nhật Bản hiện cho rằng ít nhất có một vài hòn đảo tranh chấp không phải là một phần của Quần đảo Kuril, do đó không thể áp dụng Hiệp ước. Nga thì cho rằng chủ quyền của Liên Xô đối với quần đảo đã được công nhận tại các thỏa thuận Yalta.
Trong các cuộc đàm phán hòa bình năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô, phía Liên Xô đề nghị giải quyết tranh chấp bằng cách trả lại Shikotan và Habomai cho Nhật Bản. Ở các vòng cuối cùng của cuộc đàm phán phía Nhật Bản thừa nhận những yếu thế về chủ quyền của họ tại Etorofu và Kunashiri và đồng ý giải quyết theo đề nghị của Liên Xô để đổi lấy một Hiệp ước Hòa bình.
Tuy nhiên, người Mỹ đã can thiệp và ngăn chặn thỏa thuận. Mỹ cảnh báo Nhật Bản rằng việc từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản trên các hòn đảo Iturup và Kunashir sẽ dẫn tới việc Mỹ sẽ không trao trả Okinawa cho Nhật Bản.
Mỹ đã khẳng định rằng Hiệp ước Hoà bình San Francisco "không xác định chủ quyền của các lãnh thổ mà Nhật Bản từ bỏ," nhưng "Nhật Bản không có quyền chuyển giao chủ quyền trên vùng lãnh thổ đó.
Hai bên Nhật Bản và Liên Xô sau đó đã ra một Tuyên bố chung nhưng không có vấn đề giải quyết tranh chấp. Tình trạng giữa hai bên đã không đáng kể thay đổi kể từ đó, và một Hiệp ước Hòa bình giữa Nhật Bản và Nga vẫn chưa được ký kết.
Theo các thông tin được Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố, việc hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản tiếp tục đàm phán ký kết Hiệp ước Hòa bình trên cơ sở tuyên bố Xô-Nhật năm 1956, một phần thừa nhận kết quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 đã phần nào gạt bỏ ý định của Washington khi muốn can thiệp vào khu vực này.
Trong những cuộc gặp gỡ gần đây, đã có thông tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng nếu hai đảo Habomai và Shikotan được chuyển cho Nhật Bản theo Tuyên bố Xô-Nhật 1956, thì Tokyo sẽ không triển khai căn cứ quân sự của Mỹ ở đó.
Tuy nhiên, phía Nga vẫn cương quyết từ chối việc trả đảo trước khi hai bên có một Hiệp ước Hòa bình.
Tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực đã được phía Nhật Bản chú ý cẩn trọng để không làm "mếch lòng" hai bên. Tuy nhiên, đối với Moscow, điều quan trọng không chỉ là sự xuất hiện của Mỹ trong khu vực mà còn giải quyết tận gốc mọi mơ hồ và hiểu lầm trước nay của hai nước tại Kuril.