Dân Việt

Bóng đá Thái Lan chiêu mộ cầu thủ Việt Nam: Coi chừng tiền ‘đè’

Đăng Văn 09/12/2018 19:11 GMT+7
Trước và trong AFF Cup, các CLB Thai League (giải VĐQG Thái Lan) rất tích cực chiêu mộ các cầu thủ từ các nước Đông Nam Á về thi đấu.

Từ mùa giải 2019, các CLB Thai League được phép sử dụng 3 cầu thủ Đông Nam Á (ASEAN) trong đội hình. Đây được xem là bước đi quan trọng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của giải VĐQG Thái Lan ra khu vực, đặc biệt tìm kiếm những nguồn thu mới.

Vì thế khi AFF Cup chưa kết thúc, một số đội đã nhanh chóng hoàn tất việc chiêu mộ các ngôi sao Đông Nam Á như việc bộ đôi Zaw Min Tun, Sithu Aung của Myanmar gia nhập Chonburi FC… Với tuyển Việt Nam, CLB Nakhon Ratchasima bắn tiếng muốn đưa về Phan Văn Đức. Các ngôi sao khác từ Quang Hải, Công Phượng, Văn Quyết… đã nằm trong tầm ngắm của họ từ lâu.

img

Các ngôi sao của tuyển Việt Nam đang trong tầm ngắm của các đội Thái League. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Nếu cầu thủ Việt Nam sang Thai League, họ sẽ có thu nhập cao, bởi mức lương trung bình của họ tại Việt Nam chỉ tầm 25 đến 30 triệu đồng/tháng.

Năm ngoái khi Aung Thu – chân sút số 1 của tuyển Myanmar sang khoác áo Police Tero, anh nhận mức lương 350.000 baht/tháng (trên 245 triệu đồng). Một cầu thủ khác, thủ môn Hassan Sunny (Singapore) nhận mức lương 4,8 triệu baht/năm (hơn 3,3 tỷ đồng)…

Con số này gần như không có CLB nào ở V.League kham nỗi, kể cả đội nhà giàu như CLB Hà Nội của bầu Hiển. Mức lương này bao gồm cả tiền “lót tay”. Vì thế, cầu thủ từ Singapore, Myanmar hay Philippines qua Thái Lan thi đấu đều có mức thu nhập cao hơn hẳn so với tại quê hương.

Một yếu tố khác hấp dẫn với cầu thủ Việt Nam nếu sang Thai League là tính cạnh tranh cao, bởi các đội đều có tiềm lực, sẵn sàng chi đậm để đua tranh ngôi thứ. Ngoài các đại gia có truyền thống như Muangthong United, Chonburi, Buriram United… các đội tỉnh lẻ như Chiangrai United, Nakhon Ratchasima… cũng không tiếc tiền để gom sao.

So về mọi mặt, Thái League bỏ xa V.League về tính chuyên nghiệp, tiềm lực. Chẳng hạn như Buriram, doanh thu của họ năm 2017 lên đến 800 triệu baht (trên 560 tỷ đồng). Đây là con số trong mơ với cả V.League chứ không tính riêng 1 CLB nào của Việt Nam.

Nhiều tiền cũng “khổ”

Cuối năm ngoái, Hoàng Vũ Samson (Hà Nội) sang thử việc tại Buriram United. Tuy nhiên, sát thủ hay bậc nhất V.League này cuối cùng không thể trụ lại được, kèm theo lời nhận xét có phần chua chát từ ông chủ đội bóng Thái Lan.

Điều đó chứng minh một điều, chất lượng và tính cạnh tranh của Thái League rất cao. Nếu cầu thủ Việt Nam suy nghĩ giải đấu này làng nhàng như V.League, họ đã nhầm. Và tất nhiên, dù có là sao Công Phượng, Quang Hải vẫn có thể bị thải loại nếu không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Sức ép từ sự kỳ vọng, mức lương lớn từng khiến nhiều ngôi sao Thái Lan sa sút. Chẳng hạn Tanaboon Ketsarat – cầu thủ trụ cột của “Voi chiến” tại AFF Cup 2018. Năm ngoái, anh chuyển sang khoác áo Chiangrai United với mức phí 50 triệu baht (hơn 25 tỷ đồng), trở thành cầu thủ Thái Lan đắt giá nhất lịch sử, kèm mức lương 8,4 triệu baht/năm (hơn 5,6 tỷ).

Dù nhận được rất nhiều kỳ vọng, tuy nhiên kể từ khi “đổi đời”, sự nghiệp của cầu thủ được mệnh danh là Sergio Busquets của Thái Lan không phất lên được. Anh hứng chịu rất nhiều chỉ trích thời gian qua vì phong độ sa sút.

Hay trường hợp của Charyl Chappuis – tiền vệ được mệnh danh Ronaldo của Thái Lan. Anh từng là lựa chọn hàng đầu của HLV Kiatisak, nhận mức lương lên đến 800.000 baht/tháng (hơn 560 triệu) khi còn khoác áo Suphanburi. Tuy nhiên 2 năm nay, cầu thủ từng vô địch U17 thế giới cùng tuyển Thụy Sỹ mất chỗ đứng ở tuyển Thái Lan, một phần do chấn thương.

Công Phượng, Xuân Trường… từng bày tỏ mong muốn được thử sức ở Thai League. Nhưng với quá nhiều ràng buộc và vẫn đang kiếm tiền tốt tại Việt Nam, bao giờ điều này mới thành hiện thực.