Năm ngoái, Anh Ngo, một người Mỹ gốc Việt đang sống ở Texas, quyết định tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder. Cô nghĩ việc này sẽ đem tới cho mình nhiều niềm vui, nhưng sau một thời gian, khi số người kết nối ngày càng tăng, cô cảm nhận điều ngược lại.
Thực tế, nhiều người chọn cô sinh viên 20 tuổi này nói thẳng toẹt lý do chính là vì chủng tộc của cô. "Nhiều người còn đề cập tới yếu tố này ngay từ đầu cuộc trò chuyện", Ngo nhớ lại. "Tôi chẳng ngạc nhiên bởi trước đây ở trường cũng có nhiều người phân biệt đối xử với tôi, coi đó như trò đùa, mặc dù khiến tôi có chút cảm thấy mình bị miệt thị".
Giọt nước tràn ly là khi Ngo quen với một người đàn ông da trắng ở khu mình sống. Sau khi đọc tin anh này nhắn rằng "luôn khao khát một cô nàng châu Á", Ngô xoá hẳn ứng dụng.
Howard Yeh, một sinh viên 19 tuổi ở New York, Mỹ, cũng trải qua tình huống tương tự. Anh chàng người Đài Loan này đến buổi hẹn một cô gái da trắng có "đầy hình xăm chữ Trung Quốc, sóng thần Nhật Bản...".
Sau buổi hẹn đầu, tại phố người Hoa, cô gái cho anh thấy một danh sách đàn ông châu Á mình từng cặp và bảo anh "sắp vào nhóm này". "Tất cả những người trong danh sách đó đều có các nét đẹp châu Á rất điển hình. Tôi chắc một số người có thể lấy đó làm hãnh diện nhưng tôi thì không", Yeh nói.
Nhiều cô gái Châu Á cảm thấy bị phân biệt đối xử khi đàn ông phương Tây săn đuổi họ. Ảnh: Everydayfeminism.
Những câu chuyện hẹn hò của Ngo và Yeh minh hoạ cho việc tôn sùng con người và văn hoá châu Á. Người ta gọi hiện tượng này là "cơn sốt vàng" - với nghĩa bóng để chỉ nam giới phương Tây có xu hướng tôn sùng, thích "yêu" phụ nữ da vàng châu Á...
Theo các chuyên gia, điều này gây ra những trường hợp quấy rối tình dục, phân biệt đối xử cũng như thái độ kỳ thị ở nơi làm việc.
Theo Scmp, cơn cuồng này càng trầm trọng hơn bởi một loạt các ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội, cho phép tìm kiếm theo chủng tộc, với định kiến lỗi thời về tính dễ phục tùng của người châu Á.
Dán nhãn này ngấm sâu tới nỗi các nỗ lực cố vượt qua nó thường gặp phải phản ứng dữ dội - như trải nghiệm của Kelly Marie Tran, một trong những ngôi sao sáng giá trong bộ phim Star Wars năm ngoái.
Nữ diễn viên người Mỹ gốc Việt 29 tuổi này là người châu Á đầu tiên nhận vai chính trong loạt phim Star Wars và đã gặt hái thành công đáng kể tại Hollywood, nơi hiếm khi dành cho phụ nữ châu Á các vai diễn nằm ngoài sắc thái ngầm là nạn nhân chiến tranh hay người đàn bà cam chịu.
Tuy nhiên Kelly Marie Tran đã phải xoá tài khoản Instagram hồi tháng 6 sau khi cô đăng các bài viết chia sẻ khó khăn của phụ nữ gốc Á trong sự nghiệp điện ảnh và hứng chịu một loạt những lời thoá mạ, kỳ thị chủng tộc.
Kelly Marie Tran bị nhiều người hâm mộ phim Star Wars chế nhạo khi cô chia sẻ về những khó khăn của một phụ nữ gốc Việt nhập cư phải chật vật vươn lên ở Hollywood. Ảnh: Variety.
"Phụ nữ châu Á bị coi là kém cỏi hơn đàn ông ở những lĩnh phi tình dục và vì vậy họ bị loại khỏi các nghề nghiệp quyền lực, có địa vị cao và vai trò lãnh đạo", Robin Zheng, trợ lý giáo sư triết học tại Đại học Yale-NUS tại Singapore, nhận định.
Theo Zheng, những cuộc hẹn hò kiểu cuồng người Á bắt nguồn từ chủ nghĩa đế quốc thế kỷ 18 và 19, khi lục địa châu Á được mô tả trong các văn hoá phẩm đại chúng như Nghìn lẻ một đêm kiểu đầy khơi gợi, lạ kỳ và phụ nữ hầu hết được khắc hoạ như những tỳ thiếp, nàng hầu.
Ở thế kỷ 20, quân đội phương Tây chiếm đóng ở Đông và Nam Á, rất nhiều lính tráng mua dâm hoặc cưới phụ nữ châu Á làm phòng nhì, sinh ra định kiến rằng phụ nữ khu vực này có sự mê hoặc tình dục và cung cấp các dịch vụ kiểu như vậy.
"Cơn sốt vàng" cũng thúc đẩy quan niệm rằng người châu Á, đặc biệt là phụ nữ, rất thụ động và ngoan ngoãn - hệ quả từ việc phục tùng dưới gọng súng và gót giày, theo The Asian Feminist, một tổ chức tập hợp các nhà hoạt động vì nữ quyền.
Quan niệm những người vợ châu Á "luôn biết vị trí của mình" trong gia đình, trái ngược với những chị em nữ quyền da trắng, cũng tạo ra một ngành công nghiệp môi giới cô dâu trong thế kỷ 20, kết đôi đàn ông phương Tây với phụ nữ ở các nước Đông Âu hay châu Á.
Các cô dâu thường đến từ các nước đang phát triển như Philippines, Thái Lan và Trung Quốc. Quảng cáo mô tả họ như những mỹ nhân đang gặp nạn và chờ được một người đàn ông da trắng giàu có giải cứu.
Từ năm 2010, ở Mỹ có tới 400 đơn vị môi giới đàn ông nước này với 8.000 - 12.000 phụ nữ nước ngoài mỗi năm, gấp đôi con số năm 1999, theo trung tâm tư pháp Tahirih, một tổ chức phi lợi nhuận hướng tới phụ nữ nhập cư ở Washington.
Không những thế, một hội chứng gọi là Pinkerton - mô tả người châu Á đánh giá người da trắng như nhóm đẳng cấp cao hơn - càng thêm dầu vào lửa.
Theo trang hẹn hò OkCupid, từ năm 2009 tới 2012, phụ nữ châu Á luôn đánh giá đàn ông da trắng hấp dẫn hơn so với các chủng tộc khác và chỉ trong năm 2013 họ mới bắt đầu đánh giá đàn ông khu vực mình ngang bằng với nam giới da trắng.
Bên kia, đàn ông châu Á khi hẹn hò phụ nữ phương Tây cũng hy vọng "mình được coi trọng như đàn ông da trắng" - một tư duy hết sức sai lầm.
Các ứng dụng hẹn hò trên mạng càng khiến tình hình tệ hơn, theo chuyên gia Zheng ở Đại học Yale-NUS. Trong một khảo sát năm 2014, OkCupid thấy rằng đàn ông da trắng đánh giá phụ nữ châu Á hấp dẫn hơn phụ nữ Latinh, da đen hay da trắng - xu hướng đã tồn tại từ năm 2009.
Các trang mạng hẹn hò ở riêng châu Á như DateinAsia và AsianDating cũng thu hút tới gần 6 triệu người Mỹ trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, việc phụ nữ châu Á được tôn sùng trên các ứng dụng hẹn hò không có nghĩa là họ được đối xử tốt hơn. Một người dùng Tinder ở California (Mỹ) đã bị cấm sử dụng trọn đời từ năm ngoái khi dùng những từ xúc phạm chủng tộc một phụ nữ Mỹ gốc Á chỉ vì cô không lập tức trả lời tin nhắn của anh ta.
Chuyên gia Zheng cho rằng, rất khó cho phụ nữ châu Á đánh giá liệu đối tác thực sự thích họ vì chính cá nhân họ hay chỉ bởi lý do chủng tộc - như trường hợp của cô Ngo ở Texas.
"Cá nhân tôi không có nhiều kinh nghiệm hẹn hò nhưng có vẻ như khi đàn ông các nước phương Tây thể hiện sự quan tâm thì tiềm thức tôi sẽ nghĩ ngay rằng anh ta chỉ chú ý bởi chủng tộc của tôi", Ngo nói.
(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại